(LSVN) - Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp tục nghiên cứu, khuyến nghị Chính phủ có những quy định về lương tối thiểu phù hợp với từng thời kỳ.
Ảnh minh hoạ.
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản trả lời cử tri tỉnh Long An về kiến nghị có những chính sách riêng để hỗ trợ, góp phần nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong thời gian tới.
Cụ thể Bộ LĐ-TB&XH cho biết trong thời gian qua, kinh tế nước ta đối mặt với nhiều thách thức do nền kinh tế các nước là thị trường chính của Việt Nam có dấu hiệu suy thoái, nhu cầu giảm mạnh. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình hình việc làm, thu nhập của người lao động giảm.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo, có phương án hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết. Cùng với đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động, bảo hiểm xã hội từ Trung ương đến địa phương bố trí nhân lực, hướng dẫn và tổ chức chi trả kịp thời các chính sách cho người lao động, đảm bảo đúng đối tượng.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức dịch vụ việc làm, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp cận việc làm có thu nhập cao hơn. Bộ cũng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai, xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động với mức hỗ trợ từ 1 – 3 triệu đồng đối với đoàn viên công đoàn, và từ 700.000 đồng đến 2,1 triệu đồng đối với người lao động không là đoàn viên công đoàn.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế. Chính phủ chỉ quy định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất được trả cho người lao động. Bộ LĐ-TB&XH cho biết tiền lương của người lao động do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận. Mức lương cao hay thấp phụ thuộc vào trình độ, vị trí công việc mà người lao động đảm nhận, năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung - cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, vừa không tác động lớn đến khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó bảo đảm được việc làm cho người lao động.
Từ ngày 01/7/2024, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu theo tháng tăng 6%, với các mức: Vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng. Mức điều chỉnh này đã bảo đảm mức sống tối thiểu và cải thiện hơn cho người lao động. Bộ cũng đang chỉ đạo các cơ quan lao động tại địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình lao động, việc làm, tình hình cung - cầu lao động, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho người lao động. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phân tích, đánh giá tình hình thị trường lao động, việc làm, đời sống của người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tế, Bộ sẽ phối hợp với các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp tục nghiên cứu, khuyến nghị Chính phủ có những quy định phù hợp với từng thời kỳ.
MINH ÁNH
Những bộ phận thiếu trên xe máy có thể bị phạt theo quy định mới