/ Pháp luật - Đời sống
/ Tiếp tục tái diễn thủ đoạn mạo danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tiếp tục tái diễn thủ đoạn mạo danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản

27/10/2023 19:13 |

(LSVN) - Các đối tượng mạo danh cán bộ Bộ Công an gọi điện lừa nạn nhân liên quan đến một vụ án và yêu cầu rút toàn bộ tiền tiết kiệm gửi để xác minh.

Ảnh minh họa.

Ngày 27/10, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin về một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn, vừa được Công an huyện Hà Trung phát hiện và ngăn chặn.

Trước đó 02 ngày, bà V.T.C. (xã Yến Sơn, huyện Hà Trung) nhận được cuộc điện thoại từ các đối tượng xưng là cán bộ công tác tại Bộ Công an. Những người này thông báo bà có tài khoản ngân hàng ở Hà Nội với số tiền 3,2 tỉ đồng, đang liên quan đến một vụ án đánh bạc nghìn tỉ.

Trong cuộc điện thoại, các đối tượng đe dọa và yêu cầu bà C. phải rút toàn bộ tiền gửi tiết kiệm, chuyển vào tài khoản mà đối tượng cung cấp để xác minh, làm rõ, nếu không bà C. sẽ bị bắt.

Lo sợ trước lời đe dọa, bà C. đến phòng giao dịch ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh huyện Hà Trung rút toàn bộ số tiền hơn 200 triệu đồng và chuẩn bị chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Vụ việc được một cán bộ Công an huyện Hà Trung phát hiện, báo cho Công an thị trấn Hà Trung phối hợp xác minh.

Được lực lượng Công an và nhân viên ngân hàng chỉ rõ đây là thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng, bà C. đã dừng việc chuyển tiền.

Trước đó, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về 24 hình thức lừa đảo gồm:

Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ".

Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.

Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao.

Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.

Giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.

Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.

Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.

Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…

Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…).

Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.

Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.

Lừa đảo tuyển cộng tác viên online.

Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.

Giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo.

Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.

Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.

Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.

Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.

Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.

Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…

Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.

Lừa đảo cho số đánh đề.

Theo Bộ Công an, 24 hình thức lừa đảo ở 03 nhóm này nhắm vào người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng.

Và một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

Bắt đầu sử dụng tên định danh để chống cuộc gọi mạo danh từ ngày 27/10

Bộ TT&TT cho biết, bắt đầu từ ngày 27/10, tất cả các số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gọi đến người dân đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng.

Theo Bộ TT&TT, thời gian vừa qua, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ TT&TT, Công an, Viện Kiểm sát, Ngân hàng, nhà mạng viễn thông… gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân.

Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; đồng thời cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Giải pháp này được đánh giá cũng sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

QUÝ MINH

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra đối với một số loại hình, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao

Nguyễn Hoàng Lâm