Ngày 16/11, TAND TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh), Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương) và 08 bị cáo khác trong vụ án sai phạm về việc hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy nhà đất số 185 Hai Bà Trưng.
Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 22/11.
Diễn biến phiên tòa sơ thẩm lần 1
Đây là vụ án liên quan đến sai phạm của nhóm nguyên cán bộ UBND TP. Hồ Chí Minh trong việc hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy tài sản nhà nước là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng.
Trước đó, cuối tháng 03/2021, TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu VKSND tối cao điều tra bổ sung 08 vấn đề, trong đó phần lớn là nội dung xoay quanh việc thế chấp tài sản 57 Cao Thắng của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank-Chi nhánh Thành phố.
Tới tháng 05/2021, VKSND tối cao hoàn tất điều tra bổ sung, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho phía Tòa án, VKSND tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo như cáo trạng; những tình tiết phát sinh tại phiên tòa đều đã có trong hồ sơ vụ án, không phải tình tiết mới.
Các bị cáo Nguyễn Thành Tài và 08 bị cáo gồm: Trần Nam Trang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh); Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh); Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL - nay là Sở VH&TT); Lê Tôn Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL); Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố); Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố); Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT) và Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT) cùng bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Riêng bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay vụ án mới được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2.
Viện Kiểm sát công bố cáo trạng
Tại phiên tòa hôm nay, trong phần làm thủ tục xét xử, Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Phạm Lương Toản thông báo, một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có đơn xin vắng mặt.
Hội đồng xét xử xét thấy những trường hợp này đã có lời khai và yêu cầu đầy đủ trong quá trình điều tra, nên việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Do vậy, phiên tòa tiếp tục được xét xử bình thường, yêu cầu những người liên quan khác tham gia đầy đủ và chấp hành nghiêm các công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình xét xử.
Nêu ý kiến, Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đề nghị Tòa triệu tập thêm đại diện Phòng Công chứng số 1 và một số cá nhân trong quá trình xét xử.
Hội đồng xét xử thông báo Phòng Công chứng số 1 đã có công văn trả lời và sẽ triệu tập nếu thấy cần thiết.
Tại phiên tòa, đại diện VKS đã công bố cáo trạng của vụ án.
Nhà đất số 185 Hai Bà Trưng (Phường 6, Quận 3) là tài sản nhà nước được giao cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh, nay là Sở VH&TT) quản lý và làm trụ sở.
Do cơ sở 185 Hai Bà Trưng xuống cấp, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương (do Dương Thị Bạch Diệp làm Giám đốc) để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở.
Bị cáo Diệp đề xuất hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, đang thế chấp ngân hàng) để lấy mặt bằng 185 Hai Bà Trưng với Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Tuy nhiên, sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không đưa tài sản này vào ngân hàng để rút giấy chứng nhận nhà đất số 57 Cao Thắng ra, bàn giao, sang tên cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ như cam kết.
Thay vào đó, bị cáo Diệp tiếp tục dùng nhà đất 185 Hai Bà Trưng thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không có khả năng trả nợ, khiến Nhà nước mất tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại hơn 186 tỉ đồng.
Chiều cùng ngày, phiên tòa bước vào phần xét hỏi. Tùy tình hình phiên tòa có thể xét xử cả Thứ Bảy và Chủ nhật.
TTXVN