Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương anh hùng

13/07/2022 03:17 | 1 năm trước

(LSVN) - Trong chiến dịch tổng tấn công mùa xuân 1968, Tiểu đội nữ du kích 11 cô gái Sông Hương đã mưu trí, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tiêu biểu cho khí phách anh hùng của quân và dân Huế, đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh quật khởi, kiên cường.

Sau ngày TP. Huế hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp được về gặp lại những cán bộ và chị Hoàng Thị Nở, chị Nguyễn Thị Hoa cùng các chiến sĩ trong Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương.

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng hoạt động cách mạng, các chị em trong Tiểu đội cho biết, vào năm 1967, Tiểu đội với 11 cô thôn nữ tuổi đời không quá 20, phần lớn sống cùng làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, được thành lập để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Tiểu đội do chị Phạm Thị Liên làm Tiểu đội trưởng, chị Đỗ Thị Cúc làm Tiểu đội phó và các chiến sĩ: Hoàng Thị Sao, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Hoa, Hoàng Thị Nở, Chế Thị Mừng, Nguyễn Thị Xê. 

Do thông thuộc địa bàn, Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương ban đầu được giao làm giao liên, dẫn đường cho bộ đội, hướng dẫn các đơn vị bộ đội chủ lực tiếp cận mục tiêu, chuyển thương, bảo vệ sở chỉ huy cánh quân phía Nam, tất cả đều “bí mật tuyệt đối”, bí mật khi gia nhập lẫn bí mật hoạt động. Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, Tiểu đội góp phần làm nên chiến tích giữ vững, làm chủ trận địa vùng phía nam TP. Huế trong 26 ngày đêm. Đặc biệt, đêm 30 Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đội được chia làm nhiều tổ, dẫn bộ đội đánh chiếm nhiều mục tiêu trong nội TP. Huế. Quân địch bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, thiệt hại vô cùng nặng nề. Đúng 09 giờ ngày 31/1/1968, chiến sĩ Nguyễn Văn Tuyển kéo cờ giải phóng lên kỳ đài Phu Văn Lâu giữa trung tâm TP. Huế, hàng vạn người dân thành phố hân hoan xuống đường ăn mừng chiến thắng.

Một số thành viên trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương năm 1968.

Mất Huế là mất một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, địch tập trung lực lượng tinh nhuệ, chi viện máy bay, pháo binh, xe tăng quyết tâm tái chiếm bằng được. Khi quân ta chuyển sang phản kích, Tiểu đội chốt giữ nhiều vị trí quan trọng nội thành Huế, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 804 đột nhập đánh địch phía Nam cầu Tràng Tiền và giành thắng lợi. Sau nửa chiến dịch, các chiến sĩ trong Tiểu đội trực tiếp chiến đấu như các chiến sĩ quân chủ lực. Trận đánh ác liệt nhất đêm 11 rạng sáng 12/02, tiểu đoàn lính Mỹ được trang bị hiện đại có xe tăng, xe bọc thép, máy bay, pháo binh yểm trợ tấn công chiếm Khách sạn Hương Giang và Đại học Sư phạm. Tiểu đội và các chiến sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương khi đó đã triệt để lợi dụng địa hình, địa vật liên tục tấn công địch. Mặc dù có hỏa lực hiện đại nhưng địch cũng không thể phát huy được, bị thiệt hại nặng nề. Quân ta thời điểm đó đã tiêu diệt tại chỗ 70 tên, bắn cháy 04 xe tăng. Trong trận đánh này, hai đồng chí trong Tiểu đội đã hy sinh anh dũng, đó là chị Hoàng Thị Sao và chị Đỗ Thị Hoa. Sự hy sinh quả cảm của các chị làm cho đơn vị sôi sục khí thế chiến đấu trả thù cho đồng đội.   

Đến chiều ngày 25/02, địch dùng một lực lượng rất mạnh để đánh phản kích quân ta. Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương đã chặn đánh địch quyết liệt trên đường Nguyễn Công Trứ. Trận chiến ấy, dù diễn ra không cân sức nhưng quân địch không thể nào tiến lên được, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, 05 xe tăng Mỹ bị bắn cháy. Được tin chiến đấu dũng cảm của Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương, Bác Hồ đã gửi thư khen: 

"Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương".

Trong trận chiến đấu năm ấy, Tiểu đội hy sinh thêm hai đồng chí nữa, đó là chị Nguyễn Thị Diên, chị Hoàng Thị Hết. Kết thúc chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân 1968, Tiểu đội còn lại 07 người, sau đó thành lập Trung đội Võ Thị Sáu.  

Năm 1972, chị Phạm Thị Liên đã hy sinh anh dũng và tên chị được đặt cho một con đường ở phường Kim Long, đến năm 1994, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. UBND TP. Huế đã dựng bia Chiến công 11 cô gái Sông Hương tại vườn hoa Vĩ Dạ trên đường Phạm Văn Đồng. Ngày 28/4/2009, Nhà nước phong tặng Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Tấm gương chiến đấu ngoan cường dũng cảm cùng sự hy sinh của 11 cô gái Sông Hương Tổ quốc mãi mãi ghi công, lớp lớp các thế hệ người dân TP. Huế và cả nước noi theo và học tập.

HẢI HƯNG

Nghệ An: Khai mạc Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Từ khoá : lsvn.vn LSVN TP. Huế