Ngày 15/7, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSHX) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng CSXH.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu trên toàn quốc với khoảng 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Triển khai đúng tinh thần Chỉ thị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định, trong số các chính sách phát triển kinh tế-xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng CSXH là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng CSXH, thông qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tốt chương trình tín dụng CSXH theo tinh thần Chỉ thị 40 cũng chính là làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, triển khai tín dụng chính sách một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn hiện nay được xem là một trong các giải pháp đặc biệt cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống.
Còn theo báo cáo của NHCSXH, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40, quy mô về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng của NHCSXH không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Dư nợ tín dụng CSXH đến thời điểm hết tháng 6/2020 đạt khoảng 219.900 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 8 chương trình lớn (chiếm trên 96%/tổng dư nợ).
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, hiệu quả của tín dụng CSXH đã khẳng định phương thức quản lý vốn và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
"Chỉ thị số 40 đã tạo điều kiện cho NHCSXH tốt hơn nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao", ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.
Có thể khẳng định chính sách tín dụng xã hội là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (2015) xuống còn 5,23% (2018), 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900.000 lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, NHCSXH trong thực hiện Chỉ thị số 40 trong thời gian qua.
Trong đó, có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và đoàn thể các cấp góp phần tích cực chung sức trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 40 vẫn còn những hạn chế cần khắc phục sớm trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định, các quan điểm, chủ trương, giải pháp tại Chỉ thị 40 vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo thực hiện. Yêu cầu đặt ra là cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Phát huy sức mạnh tín dụng "nhân văn"
Đồng chí Trần Quốc Vượng đã nêu một số định hướng nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 trong thời gian tới.
Theo đó, thứ nhất, hiện nay tình hình quốc tế diễn biến hết sức khó lường, nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Do đó, đòi hỏi cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác tín dụng CSXH, hỗ trợ hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế, trước mắt và lâu dài. Muốn vậy cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cũng như các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, tín dụng CSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, giúp giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội theo định hướng XHCN.
Cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội các cấp cần xác định coi hoạt động tín dụng CSXH là một mục tiêu trong chương trình hoạt động hằng năm, hằng tháng. Cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng CSXH, quan tâm công tác thẩm tra, xác định đối tượng, được vay vốn, phối hợp giữa hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ cùng với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả nhất.
Thứ ba, cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của NHCSXH, tăng cường công tác kiểm trả, kiểm soát nội bộ, chú trọng, đào tạo bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ nhân viên. Vì đặc thù công việc không hẳn như các ngân hàng thông thường, ở đây, đối tượng khách hàng chủ yếu là hộ có hoàn cảnh khó khăn, do đó, cán bộ NHCSXH phải gần dân, sát dân, thấu hiểu dân để phục vụ dân.
“Tiếp xúc với dân, các cán bộ phần nào đại diện cho hình ảnh của Đảng, Nhà nước, nhân dân tin yêu các cán bộ NHCSXH chính là góp phần làm tăng lòng tin với Đảng, Nhà nước, do đó, cán bộ NHCSXH phải hiểu rõ ý nghĩa chính trị quan trọng đó”, đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu.
Các cán bộ, các đơn vị phải tiếp tục phối hợp tốt hơn để NHCSXH phát huy tốt vai trò, chức năng, sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn vốn được giao, được uỷ thác, không để xảy ra tiêu cực trong hoạt động tín dụng CSXH, góp phần quan trọng đẩy lùi tín dụng đen, thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách, các mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Thay mặt NHCSXH, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu, triển khai các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư.
Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết, toàn hệ thống sẽ vào cuộc quyết liệt để tiếp tục đưa Chỉ thị 40 vào cuộc sống hiệu quả nhất, NHCSXH cũng sẽ khẩn trương đúc kết những bài học, những điểm còn hạn chế, đề ra các chương trình hành động cụ thể tiếp theo để đạt hiệu quả cao hơn.
Hội đồng quản trị NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương các cấp và chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước.
Tại Hội nghị, đã diễn ra lễ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 22 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 40; Bằng khen của Thống đốc NHNN cho 25 tập thể, cá nhân; 60 Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 60 tổ trưởng tổ tiết kiệm, vay vốn.
MẠNH THẮNG/VGP