(LSO) - Bộ Y tế khẳng định cho đến 14h30 ngày 28/3/2020, tại 20 cơ sở y tế đang điều trị các ca bệnh Covid-19, không ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Một số tài khoản Facebook chiều 28/3 đưa thông tin ám chỉ Việt Nam đã có một ca bệnh Covid-19 tử vong. Thông tin này làm người dùng mạng xã hội hoang mang.
Ngay lập tức cơ quan chức năng đã lên tiếng phản bác.
Bộ Y tế yêu cầu:
1. Xin mọi người cần tỉnh táo, đây là tin giả, đồn thất thiệt.
2. Những ai đăng tin và chia sẻ thông tin này, mọi người chụp lại, chuyển cho cơ quan an ninh để họ xử lý.
3. Đề nghị mọi người cần tỉnh táo khi đọc và chia sẻ thông tin, tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều người lợi dụng tình hình dịch bệnh tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Luật sư Kiên cho biết, theo Điều 8, Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.
Các đối tượng tung tin đồn, xuyên tạc, tung các tin giả, tin độc hại trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,… thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20 – 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 – 15 triệu đồng đối với cá nhân.
Tuy nhiên, Luật sư Kiên đánh giá áp dụng Nghị định này khi xử phạt hành vi tung tin thất thiệt trên mạng có nhiều hạn chế, mức phạt đối với một số hành vi chưa đủ sức răn đe. Từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật trên không gian mạng thời gian qua diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.
Trong trường hợp, người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Luật sư Kiên cũng nhấn mạnh, về việc xử lý các trường hợp thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, nếu xác định được cụ thể cá nhân hay tổ chức nào vi phạm, cần thiết phải chuyển thẳng cơ quan công an để điều tra xử lý nghiêm theo quy định.
Phong Lâm