Tình yêu với nghề Luật sư

08/03/2021 10:54 | 3 năm trước

(LSVN) - Có một câu danh ngôn rằng: “Không có con đường nào dẫn đến thành công mà trải đầy hoa hồng”. Quả đúng như vậy, con đường dẫn đến thành công không có con đường nào êm ái, dịu dàng, thậm chí phải vượt qua những khó khăn, gập ghềnh, bởi tôi hiểu rằng muốn thành công không thể ngồi để đón đợi… Câu danh ngôn trên càng đúng hơn với nghề Luật sư đặc biệt đối với những phụ nữ hành nghề Luật sư, bởi vì ngoài hội tụ đủ bản lĩnh, sự kiên cường, sáng tạo và thông minh những nữ Luật sư như tôi muốn tồn tại và thành công còn phải có niềm đam mê và tâm huyết vô bờ bến với nghề.

Luật sư Phạm Thị Thu. 

Ngay từ khi còn là cô học sinh phổ thông trung học, tôi đã bị lôi cuốn bởi hình ảnh những vị Luật sư trên phim ảnh nước ngoài hay trong những phiên tòa mà tôi có dịp được vào xem và cũng từ đó, trong tôi đã nảy sinh ước mơ một ngày nào đó sẽ trở thành Luật sư để được đứng giữa công đường, hùng biện bào chữa cho những người dân phải “đáo tụng đình”... Vậy nên, khi vừa tốt nghiệp PTTH, tôi không hề đắn đo mà nộp đơn xin thi vào Đại học Luật Hà Nội – một ngôi trường đang rất “hot” lúc bấy giờ…

Bước chân qua cánh cổng trường đại học, tôi mới thấy con đường trở thành một Luật sư quả là không đơn giản, song tôi cũng đã vững vàng vượt qua 04 năm học dài đằng đẵng, tiếp đó là 02 năm cho quá trình học nghiệp vụ. Như vậy, tôi đã mất 06 năm cho việc “miệt mài kinh sử”.

Có lẽ, không bao giờ tôi quên được cảm xúc ngày được kết nạp vào Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Nó vừa là niềm vui sướng, tự hào vì đã đạt được mơ ước từ những ngày còn thơ ấu; vừa là sự hồi hộp, xen lẫn lo âu… bởi từ đây tôi đã được khoác trên mình chiếc “áo” Luật sư, mình sẽ phải sống và làm việc thế nào để xứng đáng với danh hiệu này?! Với tuổi đời còn trẻ, lại chưa được trải nghiệm thực tế nhiều, cộng với những kiến thức nặng tính “sách vở” được trang bị trong trường đại học…, tất cả những yếu tố đó đã trở thành “rào cản” không nhỏ đối với tôi khi tiếp cận với công việc. Để hoàn thành tốt công việc, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, tôi đã có những bữa cơm bỏ dở nửa chừng, nhiều đêm thức trắng chong đèn… nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; lục lọi, đào bới, tra cứu, tìm tòi bằng được các văn bản pháp luật, văn bản dưới luật, các án lệ, thậm chí tìm hiểu cả những phong tục, tập quán cần thiết tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phần lập luận biện hộ của mình và giải quyết các vấn đề đang đặt ra… Nhưng tất cả những điều đó giúp tôi trưởng thành hơn dẫu rằng có những khi phải quệt ngang dòng lệ, vui buồn, chua chát, mặn mòi và cả những đắng cay…

Cho đến giờ, tôi cũng chẳng thể nhớ được trong những năm hành nghề Luật sư đã qua, mình đã và cùng các cộng sự của mình làm được bao nhiêu vụ, việc; đã tư vấn pháp luật cho bao nhiêu người, bao nhiêu doanh nghiệp và bao nhiêu vụ án đã tranh tụng thành công. Cứ mỗi vụ, việc qua đi, niềm vui của tôi lại như được nhân lên trước những thành công đạt được; tôi vui với niềm vui của khách hàng khi họ thoát khỏi vòng lao lý, và cũng buồn với nỗi buồn của khách hàng khi những vụ việc còn dang dở, khi ánh sáng công lý còn chưa soi rọi đến những góc khuất của cuộc đời…

Với tôi, nghề Luật sư là một lĩnh vực lao động trí tuệ gian khổ, lao động đó đòi hỏi phải huy động rất nhiều tố chất trong một con người như sự tinh tường về pháp luật, sự am hiểu về thực tế xã hội, sự hiểu biết về tâm lý con người, sự nhạy bén về chính trị, sự lịch lãm của văn hoá tố tụng, giàu lòng nhân ái và phải có một trình độ nghề nghiệp cao. Theo thống kê hiện nay tính đến thời điểm tháng 9/2019, Việt Nam có khoảng 13.563 Luật sư, trong đó có khoảng 50% là có hoạt động hành nghề và chỉ có khoảng 10% Luật sư sống bằng nghề. Số Luật sư sống bằng nghề chiếm tỷ lệ khiêm tốn, điều đó nói lên nghề Luật sư không hề “dễ sống”. Với xã hội phát triển hiện nay nghề Luật sư ở Việt Nam được đánh giá và coi trọng hơn rất nhiều so với trước đây, điều này không phải tự nhiên mà có được, mà cần phải có những nhân tố tích cực tạo nên, trong đó nhân tố con người được coi là nhân tố quan trọng - một nghề nghiệp muốn tồn tại cần phải có những con người đam mê và tâm huyết.

Những gian truân, vất vả đối với tôi không ít nhưng không phải vì thế mà tôi bỏ nghề, những lăn lộn với nghề giúp tôi gắn bó, yêu nghề hơn, giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn và luôn lạc quan, tin tưởng vào nghề mà mình đã theo đuổi với tình yêu công lý và sứ mệnh vinh quang của nghề Luật sư. Tôi tự hào vì hiện đang sống được bằng nghề Luật sư, bằng nguồn chất xám do chính mình tạo dựng nên.

Tôi xin mượn một câu nói của ai đó để thay cho lời kết: “Có một điều không thể không thừa nhận, đằng sau những vinh quang trong nghề là những nhọc nhằn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu hết được".

Luật sư PHẠM THỊ THU

Công ty Luật Số 1 Hà Nội

Công đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam tưng bừng tổ chức kỷ niệm ngày 08/3