Biểu tượng của Meta. Ảnh: AFP/TTXVN.
Phán quyết trên được đưa ra sau khi nhà đấu tranh vì quyền riêng tư, ông Max Schrems, đệ đơn kiện Meta tại Tòa án Áo, cho rằng ông đã bị nhắm mục tiêu bởi các quảng cáo cá nhân hóa dựa trên việc xử lý dữ liệu cá nhân của mình. Tòa án Áo sau đó đã yêu cầu CJEU đưa ra hướng dẫn về vụ kiện.
Trong phán quyết, CJEU nhấn mạnh rằng các trang mạng xã hội như Facebook không thể sử dụng tất cả dữ liệu cá nhân thu thập được cho mục đích quảng cáo nhắm mục tiêu mà không có giới hạn về thời gian và không phân biệt loại dữ liệu. Các Thẩm phán cho biết nguyên tắc này được nêu rõ trong Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU.
Luật sư của ông Schrems, bà Katharina Raabe-Stuppnig, đã hoan nghênh phán quyết của CJEU. Bà cho biết: "Sau phán quyết này, chỉ một phần nhỏ trong nhóm dữ liệu của Meta sẽ được phép sử dụng cho mục đích quảng cáo, ngay cả khi người dùng đồng ý". Bà cũng lưu ý rằng phán quyết này áp dụng cho bất kỳ công ty quảng cáo trực tuyến nào khác không thực hiện biện pháp xóa dữ liệu nghiêm ngặt.
Ông Schrems đã nhiều lần kiện Meta vì cáo buộc vi phạm GDPR.
Phản ứng với quyết định của tòa án tối cao EU, Meta cho biết hãng đã đầu tư hơn 5 tỉ euro (khoảng 5,3 tỉ USD) để tích hợp cài đặt quyền riêng tư trong các sản phẩm của mình và khẳng định không sử dụng các loại dữ liệu đặc biệt mà người dùng cung cấp để cá nhân hóa quảng cáo.
Công ty cũng nhấn mạnh rằng các nhà quảng cáo không được phép chia sẻ dữ liệu nhạy cảm, trong khi người dùng Facebook có quyền thiết lập các cài đặt để quản lý cách thông tin của họ được sử dụng.
PHAN AN/TTXVN