Cảnh sát kiểm tra thuốc siro ho tại một hiệu thuốc ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 24/10/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN.
Theo phán quyết của tòa án dài 373 trang chưa từng được công bố, vụ việc nói trên bắt nguồn từ những sự kiện và tình tiết xảy ra trong năm 2021. Đây là thời điểm thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung tá dược propylene glycol (có tên khác là PG). PG là một trong những thành phần chính để sản xuất thuốc siro ho.
Năm 2021, công ty CV Samudera Chemical - hãng kinh doanh hóa chất công nghiệp địa phương - đã bán hợp chất hữu cơ ethylene glycol (EG) thường được sử dụng trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên, CV Samudera Chemical đã đóng gói EG là tá dược PG. Theo lời khai của Giám đốc điều hành công ty có tên là Endis, vào năm 2021, công ty CV Samudera Chemical gặp khó khăn về tài chính do tác động của đại dịch Covid-19.
Để làm như vậy, CV Samudera Chemical đã tải từ mạng Internet mẫu hình logo của nhà cung cấp PG lớn của Thái Lan là công ty Dow Chemical. Sau đó, CV Samudera Chemical dán logo này lên bao bì đóng gói chất EG, tiếp đó bán cho nhà phân phối mang tên CV Anugerah Perdana Gemilang trong vài tháng liền, cho đến tháng 5/2022.
Chất EG được sử dụng làm nguyên liệu thô trong sản xuất sợi polyester và cho các công thức chống đông cũng như chống ăn mòn. Hợp chất này nếu nuốt phải có thể gây ngộ độc và tổn thương thận cấp tính. Một số chuyên gia về dược phẩm cho biết, một số nhà sản xuất thuốc đôi khi đặt lợi nhuận lên trên, sử dụng EG thay thế cho PG vì giá thành thấp hơn.
Theo tài liệu của tòa, ông Endis cho biết không biết EG do công ty ông bán ra lại được sử dụng là thành phần trong thuốc siro ho. Ông Endis lập luận rằng công ty chỉ đơn thuần tái đóng gói "để giảm chi phí”.
Hồi đầu tháng 11, một tòa án ở Indonesia đã phạt tù giám đốc điều hành và 3 lãnh đạo khác của công ty Afi Farma. Trước đó, hồi tháng 10, một tòa án khác đã tuyên án 10 năm tù giam đối với ông Endis và một nhân viên của công ty CV Samudera Chemical cùng 2 lãnh đạo của nhà phân phối CV Anugerah Perdana Gemilang, vì vi phạm các quy định sản xuất thuốc.
Giới chức Indonesia cũng cáo buộc cơ quan quản dược phẩm của nước này vốn được biết đến là BPOM, đã không thực hiện công tác kiểm tra giám sát theo đúng nhiệm vụ và trọng trách.
Không chỉ Indonesia, các nước như Gambia, Uzbekistan năm ngoái cũng ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em tử vong do sử dụng siro ho nhiễm độc. WHO cũng đang hợp tác với các quốc gia này để điều tra chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đối với các loại siro ho này.
Theo TTXVN