/ Trợ giúp pháp lý
/ Tòa án nào thụ lý đơn ly hôn với người nước ngoài?

Tòa án nào thụ lý đơn ly hôn với người nước ngoài?

01/09/2021 03:48 |

(LSVN) - Tôi và chồng đăng ký kết hôn năm 2015, chồng tôi là người nước ngoài. Do hai vợ chồng chung sống với nhau không hợp, bất đồng quan điểm nên nay tôi muốn ly hôn. Chúng tôi kết hôn và sinh sống ở Việt Nam, vậy khi ly hôn sẽ nộp đơn ở đâu? Bạn đọc T.Q. hỏi.

Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài. Theo đó, việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Về thẩm quyền giải quyết ly hôn được quy định cụ thể tại Điều 35 và Điều 37 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể:

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

- Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

- Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

- Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

- Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

- Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;

- Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;

- Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

- Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

- Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

- Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Như vậy, căn cứ theo các điều nêu trên thì việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân Tỉnh. Theo đó trường hợp của bạn có thể nộp đơn ly hôn lên Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố nơi bạn đang cư trú.

Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện.

HỒNG HẠNH

Hà Nội: Sẽ xử lý nghiêm trường hợp vi phạm giãn cách xã hội trong dịp 02/9

Lê Minh Hoàng