Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại Bản án sơ thẩm số 01/2022/HS-ST ngày 07/01/2022 của Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đã quyết định áp dụng Điều 13, Điều 259, Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự, tuyên bố các bị cáo: Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt không phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Sau khi bản án sơ thẩm tuyên, các bị cáo không kháng cáo, bị hại là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam không kháng cáo. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ kháng nghị theo hướng đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ để xét xử lại.
Theo cáo trạng số 26/CT-VKS-P3 của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ, vì mục đích đầu tư bất động sản nhưng không có vốn nên bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã cùng với cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ là Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu bàn bạc, thống nhất lợi dụng các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Quyết định 63/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1627/2001/QĐ NHNN; 127/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay của tổ chức tín dụng, Quyết định số 666/QĐ-HĐQT-TDHo của Agribank Việt Nam,... thực hiện cấp tín dụng trái quy định pháp luật, cho vay không bảo đảm các quy định về an toàn tín dụng nhằm mua bán bất động sản để chia lợi ích.
Từ năm 2012 đến năm 2015, Nhân, Hai và Liệu đã thống nhất sử dụng các pháp nhân là Công ty Tây Nam, Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long, cá nhân Phan Duy Phương và Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay và sử dụng vốn mục đích gây thiệt hại về tài sản cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, số tiền 303.683.875.386 đồng (ba trăm lẻ ba tỉ, sáu trăm tám mươi ba triệu, tám trăm bảy mươi lăm ngàn, ba trăm tám mươi sáu đồng).
Các bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu đã thống nhất ý chí, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật trong việc cấp tín dụng cho Công ty Tây Nam dẫn đến mất khả năng thanh toán, kéo theo các khoản cấp tín dụng trái pháp luật cho các công ty, cá nhân khác do bị can Nhân lập ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên các bị can này phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Để toàn quyền sử dụng số tiền giải ngân từ các khoản vay và nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã thuê Giám đốc của các Công ty Đồng Bằng Xanh, Nam Bộ Cửu Long do Nhân thành lập và thuê các nhân viên như Phan Duy Phương, Nguyễn Bửu Tâm, Hoàng Công Tám đứng ra vay vốn và chỉ đạo Phạm Tường Thi là Giám đốc Công ty Tân Tiến làm đơn vị tổng thầu cho Dự án Cụm chế biến nông thủy sản Tây Nam để tiền giải ngân cho khoản vay của Công ty Tây Nam chuyển vào tài khoản Công ty Tân Tiến.
Sau khi bị phát hiện hành vi sai phạm, bị can Nhân đã chỉ đạo Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt, Lê Thị Kim Cương, Ngô Thị Sao Ly tiêu hủy tài liệu, chứng cứ và khai báo sai sự thật với cơ quan điều tra.
Bị can Bùi Tuấn Anh là cán bộ tín dụng, cấp dưới của bị can Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, trực tiếp phụ trách các khoản vay đã thực hiện sự chỉ đạo của bị can Hải và bị can Liệu bỏ qua các quy định, quy trình tín dụng, lập khống hồ sơ vay, ghi nhận khống giá trị tài sản bảo đảm để bị can Hài, bị can Liệu duyệt cho bị can Nhân vay và sử dụng tiền trái quy định, gây thiệt hại về tài sản đặc biệt lớn cho Agribank Việt Nam. Với vai trò đồng phạm, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật trong việc cấp tín dụng cho Công ty Tây Nam, là nguyên nhân dẫn đến các khoản vay về sau nên phải chịu trách nhiệm hình sự chung đối với hậu quả xảy ra.
Bị can Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt biết rõ bị can Nhân câu kết với nhân viên Agribank Cần Thơ để nâng khống giá trị tài sản thế chấp nhằm đích vay được nhiều tiền và sử dụng tiền vay trái mục đích, trái quy định pháp luật nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của bị can Nhân để lập khống chứng từ, tài liệu mục cung cấp vào hồ sơ vay, tham gia nâng khống giá trị tài sản thế chấp, hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Sau khi được Agribank Cần Thơ giải ngân các khoản vay, bị can Thi thực hiện việc rút, nộp, chuyển tiền theo hướng dẫn của bị can Nhân, cán bộ tín dụng; bị can Đạt lập kế hoạch sử dụng tiền vay, kiểm tra, quản lý theo dõi việc sử dụng tiền vay, mục đích sử dụng tiền vay, quản lý tài sản thế chấp theo sự chỉ đạo của bị can Nhân, nhằm làm mất dấu dòng tiền để giúp cho bị can Nhân sử dụng tiền vay sai mục đích, gây thiệt hại về tài sản đặc biệt lớn cho Agribank Việt Nam. Bị can Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt đồng phạm với bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, giúp bị can Nhân thực hiện hành vi phạm tội nên cũng phải chịu trách nhiệm chung.
Hành vi của các bị can đã thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại về tài sản đặc biệt lớn cho Agribank Việt Nam, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Vì vậy, các bị can Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật về hành vi phạm tội của mình.
Quá trình thẩm vấn tại Tòa án, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ, theo đó, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Vụ án sau 7 năm lại trở về điểm xuất phát. Tài sản thế chấp tiếp tục phơi sương, phơi nắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
NGUYỄN THÀNH
Sử dụng Internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý như thế nào?