Theo Cáo trạng số 01/CT-VKSST-P1 ngày 08/12/2020 của Viện trưởng VKSND tỉnh Sóc Trăng, nội dung vụ án như sau:
“Năm 2011 giữa bị can Phạm Thị Mai, ông Nguyễn Văn Liền với Huỳnh Dù Táng, Khưu Chí Thức là chủ DNTN Vạn Hưng có hợp đồng mua bán cá tra nguyên liệu, phía DNTN Vạn Hưng còn nợ tiền của bị can Mai 1.630.000.000 đồng. Hai bên thỏa thuận Phạm Thị Mai chuyển phần tiền Huỳnh Dù Táng, Khưu Chí Thức còn nợ mua cá thành tiền đặt cọc để Mai mua nhà máy đông lạnh và tất cả các máy móc thiết bị của DNTN Vạn Hưng với giá 5.500.000.000 đồng. Đồng thời giao kết đến ngày 18/02/2011, Thức và Táng không tự bán được nhà máy với giá cao hơn thì phải cùng Mai đến chính quyền địa phương để ký thủ tục sang nhượng, bàn giao nhà máy và thiết bị cho bị can Mai, nhưng đến thời hạn cam kết Thức và Táng không thực hiện hợp đồng mua bán tài sản theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đó chỉ là hành vi vi phạm hợp đồng mua bán trong giao dịch dân sự, nhưng bị can Mai thuê nhiều người đến DNTN Vạn Hưng tự ý tháo gỡ lấy tài sản. Hành vi của bị can Phạm Thị Mai chưa được sự đồng ý của Huỳnh Dù Táng, Khưu Chí Thức là chủ sở hữu DNTN Vạn Hưng và người bảo vệ là ông Trần Thại, mặt khác các tài sản trên đã thế chấp tại Quỹ tín dụng Trung ương chi nhánh Sóc Trăng đã tháo gỡ, chiếm đoạt tài sản trị giá 1.490.153.760 đồng là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Giữa bị ban Võ Thanh Tùng với Huỳnh Dù Táng và Khưu Chí Thức là chủ DNTN Vạn Hưng cũng có hợp đồng mua bán cá tra nguyên liệu, phía DNTN Vạn Hưng còn nợ tiền của bị can Tùng là 399.700.000 đồng. Ngày 01/3/2011 bị can Tùng đến DNTN Vạn Hưng để lấy tiền cá, thấy tài sản của DNTN Vạn Hưng bị người khác tháo gỡ lấy đi gần hết, Tùng cho rằng người khác lấy được Tùng cũng lấy được nên Tùng thuê nhiều người, xe tải vào lấy tài sản. Hành vi của bị can Võ Thanh Tùng chưa được sự đồng ý của Huỳnh Dù Táng và Khưu Chí Thức là chủ sở hữu DNTN Vạn Hưng và người bảo vệ là ông Trần Thại, mặt khác các tài sản trên đã thế chấp tại Quỹ tín dụng Trung ương chi nhánh Sóc Trăng đã tự ý lấy tài sản trị giá 56.196.336 đồng là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy bị can Võ Thanh Tùng không phải là đồng phạm với bị can Phạm Thị Mai nhưng có hành vi chiếm đoạt tài sản của DNTN Vạn Hưng và bị phát hiện cùng thời điểm với hành vi của bị can Phạm Thị Mai nên Cơ quan điều tra khởi tố, điều tra và đề nghị xử lý trong cùng vụ án với bị can Phạm Thị Mai là có căn cứ.
Để lấy được tài sản trừ nợ, các bị can lợi dụng khi Khưu Chí Thức, Huỳnh Dù Táng là chủ DNTN Vạn Hưng không có mặt, trong khi đó người bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp chỉ còn lại một mình ông Trần Thại không thể ngăn cản được nhiều người, doanh nghiệp lại không có phương án khác để bảo vệ tài sản nên đưa nhiều người cùng phương tiện cơ giới vào lấy tài sản đang thuộc quyền quản lý hợp pháp của ông Trần Thại. Hành vi của các bị can là rất nguy hiểm cho xã hội không chỉ xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của bị hại mà còn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật”
Với hành vi nêu trên VKSND tỉnh Sóc Trăng đã truy tố Phạm Thị Mai và Võ Thanh Tùng tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó truy tố Phạm Thị Mai theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Võ Thanh Tùng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Vụ án gây nhiều tranh cãi, theo đó TAND tỉnh Sóc Trăng đã 02 lần xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo về một tội danh khác là tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 135 và tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đồng thời tuyên mức án cả 02 tội đối với Phạm Thị Mai là 07 năm 06 tháng tù, Võ Thanh Tùng bị tuyên xử 01 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, chứng cứ buộc tội không vững chắc. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng đã bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM hủy toàn bộ bản án.
Ngày 08/01/2015 VKSND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục ban hành Cáo trạng số 01/QĐ-KSĐT truy tố Phạm Thị Mai và Võ Thanh Tùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, sau khi đình chỉ điều tra tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” đối với Phạm Thị Mai.
Lần thứ 02 xét xử sơ thẩm án số 44/2015/HSST của TAND tỉnh Sóc Trăng ngày 18/11/2015 tiếp tục tuyên phạt Phạm Thị Mai 07 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, Võ Thanh Tùng 01 năm tù cùng tội danh.
Hai bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan, ngày 18/8/2016 TAND cấp cao tại TP. HCM xét xử phúc thẩm lần 02 án số 420/2016/HSPT tiếp tục hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng vụ án quay lại từ đầu.
Quá trình điều tra lại lần 03 VKSND tỉnh Sóc Trăng đã trao đổi nghiệp vụ với VKSND tối cao, sau khi có sự thống nhất từ Bộ Công an. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã ban hành 02 quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Phạm Thị Mai và anh Võ Thanh Tùng theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 “Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”. Như vậy bà Phạm Thị Mai và anh Võ Thanh Tùng được minh oan về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Ngày 29/6/2020 và ngày 01/7/2020 Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng ban hành các quyết định “Thụ lý đơn bồi thường theo Luật Bồi thường nhà nước của bà Mai, anh Tùng”.
Vụ án tưởng như đã kết thúc, bất ngờ ngày 04/8/2020 VKSND tỉnh Sóc Trăng có Quyết định số 07/QĐ-VKSST-P1 và số 08/QĐ-VKSST-P1 hủy quyết định của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng phục hồi điều tra vụ án, đồng thời chuyển tội danh từ “Cưỡng đoạt tài sản” sang “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” đối với bà Phạm Thị Mai và anh Võ Thanh Tùng tiếp tục truy tố đếnTAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm lần 03.
Được biết hai bị can tiếp tục kêu oan và chờ đợi kết quả xét xử sơ thẩm lần 03 của TAND tỉnh Sóc Trăng.
Hy vọng vụ án không thể tiếp tục kéo dài, để họ ổn định cuộc sống sau hơn 10 năm vướng vào lao lý.
NGUYỄN THÀNH
Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính trong các trường hợp nào?