/ Dọc đường tố tụng
/ Tòa án Quân sự Trung ương xem xét đơn xin hưởng án treo của cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

Tòa án Quân sự Trung ương xem xét đơn xin hưởng án treo của cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Ngày 10/12, Tòa án Quân sự Trung ương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn Hiến - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các bị cáo khác liên quan sai phạm tại các khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng, TP. HCM.

Chỉ có 6 trong 8 bị cáo có mặt tại phiên tòa, bị cáo Bùi Như Thiềm và Bùi Văn Nga xin vắng mặt vì lý do sức khỏe và có đơn xin xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử công bố nội dung đơn kháng cáo của các bị cáo sau phiên xử sơ thẩm.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến kháng cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt, áp dụng cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") kháng cáo toàn bộ bản án, kêu oan.

Các bị cáo Bùi Như Thiềm, Đoàn Mạnh Thảo, Bùi Văn Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo. Bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành) kháng cáo kêu oan, đề nghị xem xét lại hành vi không phạm tội “các quy định về quản lý đất đai”.

Tại phần xét hỏi, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến tái khẳng định mình kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, không kháng cáo về tội danh.

Lý do xin giảm nhẹ hình phạt vì xét xử sơ thẩm chưa đánh giá hết bối cảnh, nguyên nhân, tính chất, mức độ, vai trò… Ông Hiến cho biết có bổ sung thêm một số giấy tờ trước phiên phúc thẩm để xin giảm nhẹ hình phạt.

Về tình tiết giảm nhẹ, ông Hiến cho rằng phiên tòa trước đây đánh giá chưa hết công lao của ông. Bản thân ông có 23 huân huy chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng 2, Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình khoa học nhưng tòa sơ thẩm chưa xem xét hết. Ông trưởng thành trong chiến đấu, trải qua các chiến dịch năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị ác liệt, gia đình ông có công với cách mạng, anh trai là liệt sĩ hi sinh năm 1972…

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng kháng cáo toàn bộ bản án và kêu oan. Bị cáo Hệ cho rằng các hành vi kết tội không đúng vì tất cả chứng cứ cơ quan tố tụng lấy từ lời khai của các bị can, bị cáo khác. Đồng thời ông Hệ cũng cho rằng mình không nhờ Vũ Thị Hoan (là con chị gái, gọi Hệ bằng cậu) đứng tên làm giám đốc Công ty Yên Khánh, không có lợi ích trong bảo lãnh chứng thư cho công ty Yên Khánh.

Tuy nhiên khi xét hỏi, Vũ Thị Hoan khẳng định với Hội đồng xét xử rằng ông Hệ nhờ Hoan đứng tên làm giám đốc công ty Yên Khánh, toàn bộ giấy tờ, hợp đồng của công ty do Hoan ký là do ông Hệ chỉ đạo thực hiện.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, Toà án Quân sự Quân chủng Hải quân tuyên án sơ thẩm đối với 8 bị cáo trong vụ án. Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

4 bị cáo khác là cấp dưới của ông Hiến bị tuyên phạt về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, với các mức án cụ thể: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân) 9 năm tù, Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ - du lịch biển đảo Hải Thành - Công ty Hải Thành) 8 năm tù; Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính, Quân chủng Hải quân) 7 năm tù và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành) 4 năm tù.

3 bị cáo trong vụ án này bị tuyên phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) 20 năm tù, tổng hợp mức án 12 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” trước đó nên phải nhận 30 năm tù; Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM-DV Yên Khánh - Công ty Yên Khánh) 15 năm tù và Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh) 7 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, Quân chủng Hải quân được giao quản lý các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 có tổng diện tích hơn 7.300 m2, trên đường Tôn Đức Thắng, TP. HCM. Sau khi được Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương chuyển đổi đất quốc phòng làm kinh tế, các bị cáo: Thiềm, Nga, Thảo, Tuấn đã tham mưu Quân chủng Hải quân cho đối tác thuê 3 khu đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bàn giao khi đất đang là đất quốc phòng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất.

Quá trình thực hiện, các bị cáo không kiểm tra, kiểm soát dẫn đến Công ty Yên Khánh lợi dụng, chiếm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mang thế chấp ngân hàng, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền 939 tỉ đồng.

Tòa sơ thẩm nhận định bị cáo Hiến có vai trò cao nhất trong quản lý đất đai của Quân chủng Hải quân nhưng không làm hết nhiệm vụ; thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ cấp dưới thuộc quyền; thiếu kiểm tra… nên đã ký văn bản do cấp dưới trình, quyết định việc đưa 3 khu đất trên vào làm kinh tế sai quy định, gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.

TRẦN MINH

/xet-xu-cuu-giam-doc-cdc-ha-noi-nguyen-nhat-cam-cung-dong-pham-vu-nang-khong-gia-may-xet-nghiem-covid-19.html