/ Hoạt động Luật sư
/ Tọa đàm: Cơ chế hỗ trợ và giám sát của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới

Tọa đàm: Cơ chế hỗ trợ và giám sát của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới

26/04/2025 06:50 |5 ngày trước

(LSVN) - Ngày 24/4, Trung Tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Cơ chế hỗ trợ và giám sát của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới”.

Tham dự tọa đàm có Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.

Về phía Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có: PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiện cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART); TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, - Giám đốc ADR Vietnam Chambers LLC, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC; Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân, Trọng tài viên VIAC.

Các khách mời tham dự tọa đàm gồm đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh; các Trọng tài viên…

Phát biểu tại tọa đàm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: Luật Trọng tài thương mại được ban hành ngày 17/6/2010. Phán quyết của Trọng tài là chung thẩm và được công nhận, thi hành tại Việt Nam và trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới theo Công ước NewYork 1958. Trải qua 15 năm thực hiện luật Trọng tài thương mại, trọng tài tại Việt Nam được giải quyết hàng nghìn vụ trong nước và quốc tế liên quan đến thương mại như mua bán hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, hàng hải, ngân hàng, xây dựng, tài chính và nhiều lĩnh vực khác.

Đồng thời, chúng ta cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ Trọng tài viên và nâng cao hoạt động của Trọng tài.

Luật sư Hậu cho rằng: trong thực tiễn, dù số lượng huỷ phán quyết chỉ chiếm khoản dưới 3% phán quyết được ban hành, nhưng vẫn còn tồn tại việc Tòa án đã hủy một số phán quyết trọng tài một cách tùy tiện, do đánh giá sai thẩm quyền hoặc bản chất tranh chấp, trong khi lại không có cơ chế để sửa sai vì phán quyết bị hủy không được xét lại.

Vấn đề huỷ phán quyết trọng tài sẽ làm cho các Trọng tài viên có tâm lý cẩn trọng hơn khi ra Quyết định. Tuy nhiên việc huỷ một cách tuỳ tiện cũng làm giảm hiệu quả của cơ chế trọng tài, gây khó khăn trong thi hành, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp và ảnh hưởng tiêu cực đến các bên liên quan.

Tình trạng này còn gây lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp, làm giảm niềm tin vào trọng tài như một công cụ giải quyết tranh chấp hiệu quả và công bằng. Đồng thời, nó ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và khả năng thu hút thương mại quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã tham gia các điều ước như Công ước New York. Mặc dù trọng tài ngày càng được ưa chuộng nhờ tính linh hoạt và hiệu quả, việc thi hành phán quyết – cả trong nước lẫn quốc tế – vẫn gặp các trở ngại, chủ yếu do phán quyết trong nước bị Tòa án hủy chưa có căn cứ, đặc biệt phán quyết trọng tài không được công nhận chiếm tỷ lệ còn rất cao.

Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm về yêu cầu cải cách hệ thống tư pháp thương mại, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh: Nhà nước cần cải cách hệ thống tư pháp thương mại, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp, giảm tình trạng hợp đồng bị vi phạm mà không có chế tài, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của Tòa án kinh tế, Trọng tài thương mại.

GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trọng tài viên VIAC cho rằng trọng tài Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trọng tài viên VIAC cho rằng trọng tài Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: Theo nghiên cứu từ kinh nghiệm nước ngoài, cụ thể là hệ thống trọng tài của các nước như Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ,… thì việc xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được pháp luật quy định là không giao cho tòa cấp thấp, chỉ giao hoặc là cấp trung hoặc cấp tối cao.

Tại Pháp, việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài được giao cho tòa cấp dưới; nhưng việc hủy Phán quyết trọng tài thì được giao cho tòa cấp trung (tương đương với Tòa cấp tỉnh ở Việt Nam). Còn tại Anh và Thụy Sĩ, việc yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài sẽ được xem xét và ra quyết định bởi Tòa tối cao. Như vậy, vô hình chung chỉ tòa cấp cao nhất mới có quyền hủy phán quyết trọng tài.

Tại Việt Nam, trong thời kì đất nước phát triển kinh tế số, xã hội số và bối cảnh thực hiện việc tinh gọn bộ máy thì hiện nay hệ thống các cấp tòa án chỉ còn 3 cấp gồm cấp khu vực, cấp tỉnh và cấp Tối cao. Vậy việc đưa dư thảo mới nhất của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND đề xuất giao cho tòa cấp khu vực giải quyết (hiện hành là giao cho tòa án cấp tỉnh) có thực sự phù hợp với tình hình chung hiện nay. Theo GS. TS. Đỗ Văn Đại cho rằng: nên duy trì vẫn để tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết trong các vấn đề trong Phán quyết trọng tài. Ngoài ra, học hỏi theo mô hình của Pháp, Việt Nam cũng nên cân nhắc thành lập và giao cho tòa chuyên trách trong hệ thống tòa án để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Theo đó, ngôn ngữ được sử dụng trong các tranh chấp này sẽ là tiếng Anh, các thẩm phán cũng sẽ được đào tạo bài bản, chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn về việc giải quyết các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm cần giữ nguyên thẩm quyền cho Tòa cấp tỉnh hoặc nâng lên cấp cao hơn. Theo đó, Dự thảo mới nhất cần cân nhắc lại việc trao quyền cho Tòa cấp khu vực bởi lẽ không nên dùng lập luận cấp nào ít việc hơn thì giao cho cấp đó mà phải xem xét đến tính hiệu quả, công bằng và thuyết phục. 

Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.

Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh cho rằng về thẩm quyền giải quyết phán quyết trọng tài có 02 quan điểm khác nhau là giao cho tòa khu vực và quan điểm ngược lại là giữ nguyên thẩm quyền như hiện nay là tòa cấp tỉnh giải quyết.

Thủ tục xem xét lại Phán quyết trọng tài là thủ tục đặc biệt do đó chưa phù hợp để giao lại cho Tòa khu vực trong giai đoạn hiện nay. Để xem xét Phán quyết trọng tài, các thẩm phán cần có chuyên môn (về lĩnh vực trọng tài, tranh chấp có yếu tố nước ngoài – luật nước ngoài, tranh chấp phức tạp, trị giá cao…). Có ý kiến cho rằng có thể đưa các thẩm phán cấp tỉnh về để đào tạo đội ngũ thẩm phán tòa khu vực, nhưng sẽ mất nhiều thời gian và việc này cũng chưa chắc chắn hiệu quả.

CHÍ BẰNG

Các tin khác