Tại buổi Tọa đàm, các Luật sư, cơ quan làm nhiệm vụ giải tỏa đền bù, đại diện cho khu dân cư khu vực có đất bị thu hồi đã có nhiều ý kiến thiết thực, chi tiết từng chính sách trên mục tiêu đảm bảo quyền lợi ích chính đáng hợp pháp của người sử dụng đất.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Luật sư Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cho biết, công tác giải tỏa đền bù - nhìn từ góc độ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất là một vấn đề cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh phát triển đô thị nhanh chóng của TP Đà Nẵng. Mục tiêu của buổi Tọa đàm là tạo cơ hội để các bên cùng nắm bắt, thảo luận những vấn đề đã làm tốt và những mặt còn hạn chế trong quá trình triển khai công tác giải tỏa đền bù. Đồng thời, từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất, và đảm bảo rằng họ thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật.
Công tác giải tỏa đền bù không chỉ là vấn đề kỹ thuật pháp lý, mà còn liên quan trực tiếp đến đời sống của người sử dụng đất, quyền lợi hợp pháp của họ đối với tài sản, đất đai. Việc hiểu đúng, đủ, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất về phía cơ quan quản lý, thực thi sẽ giúp hạn chế những sai sót chủ quan, hạn chế sự thiếu minh bạch; về phía người dân, doanh nghiệp sẽ bảo vệ đầy đủ quyền lợi đồng thời tránh những yêu cầu vượt quá; tránh việc sử dụng các biện pháp không đúng quy định để yêu cầu những lợi ích không chính đáng làm tốn kém thời gian công sức của cơ quan nhà nước, nhân dân dẫn tới ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.
“Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến giải tỏa đền bù. Điều này sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, và hiệu quả trong quá trình thực thi pháp luật, đồng thời giúp giảm thiểu các khiếu kiện kéo dài, vượt cấp”, Luật sư Trần Tuấn Lợi chia sẻ.
Trong nội dung bản tham luận tại Tọa đàm, Luật sư Nguyễn Trung Thành, Trưởng chi nhánh Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật tại Đà Nẵng đã chỉ ra một số bất cập trong giải tỏa đền bù tại Đà Nẵng và đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho người có đất mà nhà nước thu hồi trong thời gian tới.
Theo đó, mặc dù Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và tạo ra những thay đổi đáng kể trong công tác giải tỏa đền bù nhưng thực tế cho thấy vẫn có không ít trường hợp quá trình giải tỏa, đền bù gặp khó khăn, vướng mắc. Những bất cập này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, quyền lợi của người sử dụng đất mà còn gây tác động không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả triển khai của các dự án phát triển. Để đảm bảo công tác giải tỏa đền bù được thực hiện công bằng và hợp lý, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận và giải quyết các hạn chế còn tồn tại trong quy trình.
Một trong những vấn đề phổ biến trong công tác giải tỏa đền bù là quy trình pháp lý không được tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ. Điều này, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự thiếu; hạn chế hiểu biết về pháp luật của các bên liên quan, sự vội vàng trong việc triển khai để đảm bảo tiến độ dự án hoặc các yếu tố khách quan khác.
Một vấn đề khác gây ảnh hưởng đến quá trình giải tỏa đền bù là có nơi, có lúc thiếu sự công khai, minh bạch trong việc xác định giá trị đền bù. Thực tế cho thấy, trong một số dự án, mức giá đền bù không được công khai rõ ràng, người dân khó tiếp cận thông tin. Điều này làm cho người dân không hiểu được cơ sở tính toán mức đền bù mà họ nhận được, dẫn đến sự nghi ngờ và mất niềm tin vào quá trình giải tỏa đền bù.
Sự thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị đền bù có thể bắt nguồn từ việc sử dụng các phương pháp định giá không thống nhất hoặc không phù hợp với thực tế thị trường, gây ra sự chênh lệch đáng kể giữa giá trị thực tế của đất bị thu hồi, tài sản, cây cối hoa màu trên đất với mức đền bù được đề xuất. Người dân cảm thấy giá trị tài sản của họ không được đánh giá đúng mức, dẫn đến việc kiến nghị/khiếu nại/khởi kiện để yêu cầu xem xét lại mức đền bù và đôi khi phải kéo dài qua nhiều cấp giải quyết. Việc thiếu minh bạch không chỉ gây bức xúc cho người dân, làm tăng gánh nặng cho các cơ quan chức năng khi phải xử lý các yêu cầu, khiếu nại phát sinh.
Ngoài ra, tình trạng chậm trễ trong việc nhận đất tái định cư, nhận tiền đền bù hoặc các quyền lợi khác cũng gây khó khăn cho một số hộ dân. Nhiều gia đình phải chờ đợi lâu mới được bố trí đất tái định cư, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và đời sống hàng ngày của họ. Hoặc một số dự án bị treo, kéo dài đã làm ảnh hưởng đến việc ổn định chỗ ở, cấp Giấy chứng nhận QSD đất…
Về phía người có đất bị thu hồi, trong nhiều trường hợp họ không được tham vấn kỹ lưỡng về các quyền và nghĩa vụ trước khi tiến hành giải tỏa, hoặc không nhận được đủ thông tin về quy trình đền bù theo đúng quy định. Điều này có thể khiến họ cảm thấy bị thiệt thòi hoặc cảm thấy không được bảo vệ. Khi không hiểu hết các quy định, không được giải thích, tư vấn quy định pháp luật liên quan dẫn đến yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ, tái định của người dân vượt quá các quy định pháp luật cho phép, từ đó dẫn đến kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện khiến các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng mất nhiều thời gian, nguồn lực hơn để xử lý các vấn đề phát sinh sau đó, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.
Những bất cập kể trên không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng mà còn làm giảm hiệu quả của công tác giải tỏa đền bù, gây áp lực cho hệ thống pháp lý mà còn tạo ra nhiều khó khăn cho các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Để khắc phục những bất cập này, Luật sư Nguyễn Trung Thành cho rằng, theo quy định mới tại Luật Đất đai 2024, cụ thể là nghị định 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực ngày 01/8/2024, cụ thể tại Điều 3 của nghị định 88, quy định rõ việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (quy định rõ về từng phương án bồi thường; từng phương án hỗ trợ, tái định cư… chi tiết đến từng người có đất bị thu hồi) đề nghị khi tại từng địa phương có dự án, các tổ chức làm công tác giải tỏa đền bù thực hiện đúng, đầy đủ, và thật chi tiết các phương án theo quy định nêu trên. Các cơ quan có thẩm quyền, tham mưu đề xuất xây dựng khung giá chuyên cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, chi tiết cho từng trường hợp (giá trị đất, giá bồi thường tài sản trên đất, cây cối hoa màu phù hợp với đơn giá thực tế tại thị trường); tổ chức thực hiện công khai, niêm yết đến từng người có đất bị thu hồi. Từ đó, sẽ đảm bảo quyền lợi ích của người có đất bị thu hồi và giảm thiểu việc kiến nghị/khiếu nại/ khiếu kiện.
Ngoài ra, trước mỗi dự án, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, cơ quan giải tỏa đền bù tại địa phương, cần phối hợp với Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia đưa ra kế hoạch, hình thức cho công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật liên quan đến những quyền lợi mà người có đất thu hồi được hưởng, các nghĩa vụ người có đất thu hồi phải tuân thủ theo đúng, đầy đủ với quy định pháp luật. Thực hiện tốt các giải pháp trên, không chỉ đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi mà còn giúp công tác giải tỏa đền bù được thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ của các dự án tại địa phương.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, Sở TN&MT và Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng đưa ra tiêu đề cho buổi Tọa đàm “Công tác giải tỏa đền bù – nhìn từ góc độ đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất” với mục tiêu xác định các vướng mắc, tìm mọi giải pháp để thực hiện công tác giải tỏa đền bù trong thời gian tới, nhằm phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất, đúng nhất, hợp pháp nhất cho người sử dụng đất bị nhà nước thu hồi.
Qua buổi Tọa đàm, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng tiếp nhận những ý kiến đóng góp cụ thể, chi tiết, thiết thực của các luật sư, đại diện tổ chức luật sư tại Đà Nẵng, Hội Luật gia và những “người trong cuộc”. Thời gian tới, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng sẽ tham mưu cho UBND TP. Đà Năng, tổ chức, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thiện các quy định, quy trình, chính sách, cách thức thực hiện công tác bồi thường giải tỏa. Phối hợp với các tổ chức Hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng khi có Dự án cần giải tỏa đền bù; thực hiện giải tỏa đền bù phải để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp người sử dụng đất, hạn chế các vướng mắc, tranh chấp, đảm bảo tiến độ thực hiện của các dự án, góp phần ổn định và phát triển địa phương.
Kết thúc buổi Tọa đàm Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cùng Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng đã ký kết quy chế phối hợp. Nội dung quy chế gồm: Trao đổi cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời; Tập huấn và cập nhật chính sách mới; Hỗ trợ pháp lý trong quá trình giải tỏa đền bù; Tham gia giải quyết tranh chấp và hòa giải; Những vấn đề khác hai bên cùng quan tâm.