/ Hoạt động Luật sư
/ Tọa đàm: ‘Thượng tôn pháp luật – Nguyên tắc này để làm gì?’

Tọa đàm: ‘Thượng tôn pháp luật – Nguyên tắc này để làm gì?’

27/10/2022 04:19 |

(LSVN) - Chiều 26/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Quỹ Dragon Capital và Hiệp hội Doanh nhân Anh quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Thượng tôn pháp luật – Nguyên tắc này để làm gì?”.

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tham dự có Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp; Luật sư Simon Davis, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Anh quốc và xứ Wales; Chủ tịch Quỹ Dragon Capital ông Dominic Scriven Obe, cùng các Luật sư, học giả, chuyên gia pháp luật và sinh viên ngành luật.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, nguyên tắc thượng tôn pháp luật có hai khía cạnh dành được nhiều sự quan tâm đó là khả năng tiếp cận pháp luật và khả năng tiếp cận công lý của xã hội của người dân và doanh nghiệp. Hoạt động hành nghề Luật sư không thể tách rời sứ mệnh đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật và tiếp cận công lý của xã hội thông qua việc cung cấp các dịch vụ pháp lý và trợ giúp pháp lý cho cộng đồng xã hội, nhất là cho đối tượng người yếu thế. Các Luật sư góp phần nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật và tiếp cận công lý của cộng đồng xã hội, chính nhờ sự đóng góp này mà nghề Luật sư trở lên có ý nghĩa và được tôn vinh.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe diễn giả giới thiệu về Luật sư Frank Loseby và cách Luật sư Frank Loseby bào chữa miễn phí cho Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời được chia sẻ về thủ tục dẫn độ, nguyên tắc thượng tôn pháp luật và nội dung cốt lõi của nguyên tắc này.

Diễn giả cho biết, Luật sư Francis Loseby (sau đây gọi là Frank) là một Luật sư tư vấn người Anh. Ở Vương quốc Anh và một số quốc gia theo hệ thống thông luật, người hành nghề Luật sư được chia thành Luật sư tranh tụng (barrister), với công việc chính là biện hộ, bảo vệ thân chủ tại tòa án; và Luật sư tư vấn (solicitor), với công việc chính là hỗ trợ khách hàng giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thông qua thương lượng hòa giải để tránh cho thân chủ phải ra tòa. 

Theo đó, vì hoạt động cách mạng sôi nổi, chính quyền thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) và ráo riết truy lùng ông. Tháng 6/1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt tại nhà ở Hồng Kông. 

Tham gia bào chữa miễn phí cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luật sư Frank Loseby đã đưa ra trát “habeas corpus”, nghĩa là “bị cáo phải hiện diện tại tòa” yêu cầu Hồ Chí Minh phải được đưa từ nhà tù đến Tòa án Hồng Kông và phải được trả tự do trừ khi có lý do chính đáng để tiếp tục giam giữ ông. 

Nhưng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thua kiện và khi sắp bị trục xuất thì Luật sư Loseby đã một lần nữa trợ giúp và nộp đơn kháng cáo lên Cơ Mật Viện (Privy Council) ở London, nơi có thẩm quyền đối với Tòa án Hồng Kông. Cuộc chiến pháp lý diễn ra rất cam go, cho tới khi đạt được một thỏa thuận giữa Denis Nowell Pritt, một Ngự Dụng Đại Luật sư (KC) theo chủ nghĩa cộng sản do Luật sư Loseby chỉ định và Ngài Stafford Cripps KC, đại diện cho chính quyền Hoàng gia. 

Ông Simon Davis.

Thỏa thuận sau cùng giữa chính quyền Hồng Kông và Hồ Chí Minh là Hồ Chí Minh đồng ý bị trục xuất khỏi Hồng Kông, nhưng không phải trên một con tàu Pháp và trở về lãnh thổ của Pháp; mà Hồ Chí Minh được phép đi khỏi Hồng Kông bằng bất kỳ phương tiện nào và có thể đi đến bất kỳ nơi nào mà ông ấy muốn.

Diễn giả cũng chia sẻ thêm, ngài Nicholas Stadlen (Nick) đã nói rằng vụ án này “đã minh họa hai đặc tính cơ bản của nguyên tắc thượng tôn pháp luật: Thứ nhất là không ai đứng trên luật pháp, kể cả là người đứng đầu nhà nước và tất cả mọi người, bao gồm cả chính quyền, đều phải tuân thủ pháp luật; và thứ hai là tất cả mọi người, bao gồm cả người mang quốc tịch nước khác, đều có quyền được xét xử bởi một tòa án độc lập mà tòa án này phải xét xử vụ án một cách công bằng và ra phán quyết chỉ dựa trên các tình tiết thực tế và quy định pháp luật liên quan". Nguyên tắc thượng tôn pháp luật là của tất cả chúng ta và chúng ta phải thúc đẩy nguyên tắc này phát triển.

Buổi Tọa đàm là cơ hội, gặp gỡ giao lưu, mở rộng quan hệ giữa các Luật sư, học giả và chuyên gia pháp luật. Tọa đàm cũng giúp cho các Luật sư Việt Nam có thêm hiểu biết về quy định pháp luật của Anh quốc về dẫn độ, kỹ năng bào chữa của Luật sư Loseby, qua đó có các kinh nghiệm để nâng cao tính chuyên nghiệp trong quá trình hành nghề để đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

THANH NIÊN

Bàn về xác định lại thành phần đương sự và đưa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án dân sự

Lê Minh Hoàng