Tọa đàm 'Vai trò của Doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới'

08/10/2024 06:08 | 12 giờ trước

(LSVN) - Ngày 06/10, tại trụ sở Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân họ Phan miền Bắc và Thân hữu, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Công thương, phối hợp với Hội Cán bộ cơ quan trung ương và doanh nhân các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Nam, các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Vai trò của Doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới”.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Đến dự buổi Tọa đàm có TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Danh dự CLB Doanh nhân họ Phan và Thân hữu; GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS.TSKH Phan Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đầu tư ngoài nước, Chuyên gia cao cấp Bộ Công thương; Thạc sĩ Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội...

Ngoài ra, đến dự Tọa đàm gồm các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học pháp lý, Khoa học lịch sử, Luật sư, luật gia, đặc biệt là các doanh nhân tiêu biểu của dòng họ Phan và Thân hữu, Hội đồng họ Phan Việt Nam, Hội đồng họ Phan các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Hà Nam, Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định; đại diện dòng họ Phan Huy – Sài Sơn, đại diện dòng họ Phan Huy- Ba Vì, đại diện dòng họ Phan La Phù, Họ Phan Tứ Liên - TP. Hà Nội.

Ban chủ trì buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm nói về vai trò của Doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới, bài tham luận của mình bà Phan Thị Huyền cho rằng: Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Họ là những “con sếu” đầu đàn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là chỗ dựa cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Có thể nói, doanh nhân Việt Nam hiện góp phần quan trọng trong tạo việc làm và nguồn thu ngân sách thường xuyên cho đất nước. Đội ngũ doanh nhân với sứ mệnh là lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả này, đội ngũ doanh nhân phải trau dồi để có trí tuệ, bản lĩnh; tư duy độc đáo, khác biệt; tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên. Coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, lấy ứng dụng khoa học công nghệ làm nền tảng, sức mạnh để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, cộng đồng doanh nhân cần chủ động trau dồi thêm kiến thức pháp luật kinh doanh, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp trong quản lý; từng bước xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức kinh doanh, tạo thêm sự liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp Việt Nam.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch hội đồng dòng họ Vũ Võ Việt Nam.

Để hiện thực khát vọng này, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cần chủ động trau dồi thêm kiến thức pháp luật kinh doanh, nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong quản lý, tính chuyên nghiệp; linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong cạnh tranh và hội nhập; từng bước xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức trong kinh doanh, cũng như tạo thêm sự liên kết phát triển chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh sự nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp; thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Từ đó, khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, tại bài tham luận của mình Doanh nhân Phan Thị Niềm, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Phan Miền Bắc và Thân hữu cho biết: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy tiềm năng, nơi sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đang mở ra những cơ hội mới. Khát vọng tương lai là không chỉ xây dựng những doanh nghiệp thành công, mà còn tạo ra giá trị bền vững cho xã hội. Thế hệ doanh nhân trẻ rất cần sự dẫn dắt, hỗ trợ từ những bậc tiền bối. Những kinh nghiệm, bài học quý giá của thế hệ đi trước sẽ là kim chỉ nam giúp doanh nhân đi đúng hướng, tránh được những vấp ngã và vững bước hơn trong con đường phát triển. Thành công của doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở những con số về doanh thu hay lợi nhuận, mà nó còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là sự đóng góp vào sự phát triển của cả dòng họ, gia đình, và cộng đồng. Khi doanh nghiệp vững mạnh, không chỉ có khả năng cải thiện đời sống của gia đình mình, mà còn có thể tạo ra những cơ hội về việc làm, học tập và phát triển cho các thế hệ sau.

Tại Toạ đàm, Trung tướng, PGS. TS Phan Xuân Tuy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân đã có bài tham luận liên quan đến vai trò, trách nhiệm của Luật sư đối với hoạt động của lực lượng công an Nhân dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Danh dự CLB Doanh nhân họ Phan và Thân hữu phát biểu tại buổi Tọa đàm.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn có bài tham luận với nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của việc hoàn thiện hệ thống chính trị Việt Nam. Theo đó, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, một số quan điểm, giải pháp, kiến nghị hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Về quan điểm, quán triệt các quan điểm của Đảng, những định hướng về đổi mới tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được đề ra trong Cương lĩnh (2011), trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII. Bài tham luận xin nêu một số quan điểm, giải pháp và kiến nghị cá nhân sau: Thực hiện tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh – người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, nhà lập quốc Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ, thể hiện rõ nhất trong Hiếp pháp 1946. Đó là một di sản tư tưởng vô giá, vẫn mang giá trị tiên phong, hiện đại, cập nhật mà chúng ta may mắn thừa hưởng.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đầu tư ngoài nước, Chuyên gia cao cấp Bộ Công Thương phát biểu tại buổi Tọa đàm.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn đã đưa ra một số kiến nghị và giải pháp như: Trước hết và căn bản là đổi mới nhận thức, cách thức tổ chức thực hiện chủ quyền nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những nội dung chính cần thực hiện: Khi có điều kiện sửa đổi Hiến pháp 2013, cần làm rõ cơ chế bảo hiến, chế định rõ vai trò của các liên kết xã hội của công dân, thực hiện trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cố gắng để trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hôi, đối với mọi hành vi của các cơ quan nhà nước, của tổ chức ngoài nhà nước, doanh nghiệp và công dân đều có luật điều chỉnh. Nội dung của các luật, bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật phải rõ ràng, thống nhất, không xung đột, mang tính hệ thống, hiện đại và có thể cập nhật và có hiệu lực pháp lý ngay sau khi ban hành. Muốn vậy:

Để có luật tốt theo chuẩn mực pháp quyền, cần đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội, nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội, các Ủy ban và đại biểu Quốc hội. Chính phủ có quyền trình dự án luật, nhưng chủ yếu theo nhu cầu của Chính phủ (không làm thay Quốc hội) và nên tập trung vào những luật liên quan đến hoạt động điều hành của Chính phủ. Xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp. Hầu hết các đại biểu quốc hội là đại biểu chuyên nghiệp, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quốc hội. Không hạn chế độ tuổi của đại biểu Quốc hội, mỗi nhiệm kỳ chỉ bầu mới 01/3, vì vậy, có thể buộc phải rút ngắn, nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội, nhưng không ảnh hưởng đến nhiệm kỳ của các chức danh được Quốc hội bầu.

Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và vận hành của hệ thống chính trị, trước hết là bộ máy nhà nước. Làm rõ chế định Chủ tịch nước, tăng vai trò của Chủ tịch nước với tư cách là người đại diện cho quốc gia trong thống nhất, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước. Chủ tịch nước có thể được dân bầu trực tiếp song song với đại biểu Quốc hội. Xác định rõ hơn mối quan hệ và vai trò của Người đứng đầu Đảng và người đứng đầu quốc gia, có thể  nhất thể hóa hai chức danh này, coi đó là một yếu tố quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Cần có luât về Chủ tịch nước, như luật về các cơ quan nhà nước khác: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án và Viện Kiểm sát, chính quyền địa phương…

Đồng thời, sớm ban hành luật liên quan đến các quyền của công dân, đã được Hiến pháp nước ta chế định như: quyền biểu đạt chính kiến, quyền lập hội, quyền biểu tình hòa bình. Đây là những vấn đề không trực tiếp liên quan đến sinh kế, nhưng nhạy cảm và quan trọng đối với trong nước và thế giới, liên quan đến trình độ văn minh của nhà nước pháp quyền. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời với nâng cáo trách nhiệm giải trình,  đồng thời với hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, trong Nhà nước, trong tổng thể hệ thống chính trị.

Chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm. 

Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, đã diễn ra Lễ vinh danh 10 doanh nhân tiêu biểu của CLB Doanh nhân họ Phan Miền Bắc và Thân hữu.

Tọa đàm đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam, với tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng cống hiến, sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình trong công cuộc phát triển đất nước, đưa nền kinh tế Việt Nam vươn cao, vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế.

SỸ THÀNH

 

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN