/ Tin nổi bật
/ Toàn văn nội dung phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tại Họp báo quốc tế về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan

Toàn văn nội dung phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tại Họp báo quốc tế về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tại Họp báo quốc tế về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Xin chào các bạn phóng viên Việt Nam và quốc tế,

1. Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ 12-15/11/2020. Trước tình hình đại dịch Covid-19 ở nhiều nước vẫn còn phức tạp, tuy đã đạt được những kết quả ban đầu trong kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam, dù rất mong muốn và cố gắng hết sức để có thể đón tiếp Lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác đến dư các hội nghị này, sau khi tham vấn với các nước, đã quyết định tổ chức HNCC ASEAN 37 và các Cấp cao liên quan theo hình thức trực tuyến.

2. Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Cấp cao liên quan là đợt hoạt động quan trọng nhất của ASEAN trong năm, thu hút sự quan tâm rộng rãi trong và ngoài khu vực. Tôi xin nhấn mạnh một số điểm sau:

Trước hết, đây là Hội nghị Cấp cao cuối cùng của ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong năm cả trong nội khối cũng như với các Đối tác và đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm Lãnh đạo ASEAN họp với Lãnh đạo hầu hết các Đối tác quan trọng của ASEAN.

Hơn nữa, đợt Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội trong khi các nỗ lực “mở cửa” trở lại và từng bước phục hồi của các quốc gia còn gặp thách thức. Bên cạnh đó là diễn biến phức tạp của môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực.

Hội nghị, do đó, là dịp quan trọng để Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì đà hợp tác và liên kết khu vực, ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN cũng như định hướng phát triển phù hợp cho ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định.

3. Về chương trình, dự kiến có 20 hoạt động ở Cấp cao trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc, Úc và Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Đối tác ASEAN- Niu Di-lân, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, và Hội nghị Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong dịp này cũng sẽ diễn ra các Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản, Mê Công – Hàn Quốc.

4. Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 bắt đầu từ 08h15, ngày 12/11/2020, diễn ra trong 45 phút. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ tham dự và phát biểu chào mừng Hội nghị. Lễ bế mạc Hội nghị và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN sẽ diễn ra vào 14.00 giờ ngày 15/11/2020. Tôi xin nói thêm là lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch chỉ là bước thủ tục. Trên thực tế, Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đến hết ngày 31/12/2020.

5. Sau Phiên họp toàn thể Cấp cao ASEAN 37 sẽ là Lễ công bố kết quả Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Khung phục hồi tổng thể ASEAN, cùng với đó là Công bố lập Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN để ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp. Tại Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23, ASEAN và Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi với sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Ngoài ra, trong khuôn khổ đợt Hội nghị này, lần đầu tiên sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo nữ 10 nước ASEAN và Lãnh đạo nhà nước/chính phủ các nước ASEAN với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu Covid-19”. Đại diện cho Lãnh đạo nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Về khách mời quốc tế phát biểu tại Hội nghị, dự kiến sẽ có đại diện cấp cao của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Lãnh đạo Ngân hàng Thế giới.

Các hoạt động khác cũng được tổ chức trong khuôn khổ các Hội nghị Cấp cao lần này có Phiên đối thoại với Đại diện Hội đồng Kinh doanh Đông Á, Lễ khởi động chuỗi Logistics công nghệ cao ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS).

Trước các Hội nghị Cấp cao, từ 09-11/11/2020 sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng phụ trách các trụ cột Cộng đồng ASEAN, cuộc họp trù bị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM), các quan chức cao cấp Kinh tế ASEAN (SEOM), Hội nghị Nhóm Công tác của Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE).

6. Tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN và với các Đối tác, các Nhà Lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi 4 nội dung chính (i) đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua các khó khăn, thách thức (ii) mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN; (iii) kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi Covid-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi; và (iv) trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

7. Về văn kiện của Hội nghị, dự kiến các Nhà Lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện tại Hội nghị lần này. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay. Trong số hơn 80 văn kiện này, đáng chú ý có các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các Đối tác ủng hộ như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức nổi lên; Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo EAS kỷ niệm 15 năm hình thành Cấp cao Đông Á và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.

8. Về công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị, mọi khâu chuẩn bị đã được hoàn tất sự tham gia của đầy đủ tất cả các bộ, ngành cũng như Ban Thư ký ASEAN quốc gia 2020. Với kinh nghiệm dày dặn và hạ tầng công nghệ hiện đại trong việc tổ chức các Hội nghị trực tuyến quan trọng của ASEAN trong năm qua, chất lượng đường truyền, hình ảnh và âm thanh sẽ được đảm bảo thông suốt và ổn định. Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang triển khai tích cực, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.

9. Về tác nghiệp của phóng viên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-37 và các Cấp cao liên quan, Phòng báo chí của Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế sẽ mở từ ngày 9-15/11/2020 với số lượng đáp ứng khoảng 200 phóng viên. Hình và ảnh về các hội nghị sẽ được cung cấp miễn phí cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Đặc biệt, chiều ngày 15/11,  từ 14h45-15h15, mời các anh chị phóng viên đến dự họp báo quốc tế sau Hội nghị Cấp cao ASEAN-37 và các Cấp cao liên quan do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Phòng họp báo.

Xin cám ơn các anh, chị phóng viên đã đến dự và chú ý lắng nghe.

NGUYỄN QUỐC DŨNG
Thứ trưởng Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam
/toan-van-phat-bieu-cua-thu-tuong-tai-phien-giai-trinh-va-tra-loi-chat-van.html