Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

03/10/2021 05:57 | 2 năm trước

(LSVN) - Tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" là tội phạm đã được quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 1999. Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 có sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ cho chính xác như: bổ sung thuật ngữ “lãnh thổ”, thuật ngữ “truyền nhiễm”, thuật ngữ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”, thuật ngữ “lây truyền”. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này không làm thay đổi bản chất của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, mà chỉ là vấn đề về kỹ thuật lập pháp.

Ảnh minh họa.

Tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Điều luật quy định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo nội dung của điều luật thì làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người, hoặc hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người

Tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" là tội phạm đã được quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 1999. Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 có sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ cho chính xác như: bổ sung thuật ngữ “lãnh thổ”, thuật ngữ “truyền nhiễm”, thuật ngữ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”, thuật ngữ “lây truyền”. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này không làm thay đổi bản chất của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, mà chỉ là vấn đề về kỹ thuật lập pháp.

Nếu Điều 186 Bộ luật Hình sự 1999 chỉ cấu tạo 03 khoản, thì Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 nhà làm luật cấu tạo 04 khoản, gồm 03 khoản quy định hình phạt chính và 01 khoản quy định hình phạt bổ sung.

Đối với các tình tiết định khung hình phạt, Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 cũng được nhà làm luật sửa đổi, bổ sung như: bãi bỏ các tình tiết “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, mà thay bằng các tình tiết: dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, làm chết người (khoản 2); dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 02 người trở lên (khoản 3).

Về hình phạt chính, do Điều 240 cấu tạo thành 03 khoản, thay vì 02 khoản như Điều 186 Bộ luật Hình sự 1999 nên khoản 2 của điều luật có khung hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, khoản 3 từ 10 năm đến 12 năm.

Về hình phạt bổ sung, khoản 4 của điều luật tăng mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, thay vì 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng như quy định tại khoản 3 Điều 186 Bộ luật Hình sự 1999.

Các dấu hiệu cơ bản của tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người"

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này vừa là chủ thể đặc biệt, vừa là chủ thể không đặc biệt.

- Là chủ thể đặc biệt nếu có hành vi “cho phép đưa ra hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam…” thì chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong việc phê duyệt, chấp thuận, cho phép đưa ra khỏi vùng dịch hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật nhưng những động vật, thực vật hoặc sản phẩm này bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

- Không phải là chủ thể đặc biệt, nếu là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên đều là chủ thể của tội phạm này, còn đối với người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này ở bất cứ khoản nào của điều luật, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 240).

Khách thể của tội phạm

Tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" là hành vi xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; gây ra những thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người cũng như cho môi trường sinh thái.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020, Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thì Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao. Ngoài Covid-19 thì các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A còn bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Hiện nay, không chỉ ở nước ta, mà hầu hết các nước trên thế giới đều có dịch bệnh Covid-19. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Lúc đầu chỉ là virus Covid-19, mức độ lây lan còn kiểm soát được, nhưng nay Covid-19 đã thành biến thể Delta lây lan với tốc độ “chóng mặt”, không chỉ đối với người chưa được tiêm vaccine, mà ngay cả những người đã được tiêm vaccine cũng vẫn có thể bị lây nhiễm. Theo báo cáo tháng 7 của Tổ chức CDC Mỹ về khả năng lây truyền của biến thể Delta được đưa ra sau một đợt bùng phát xảy ra ở Massachusetts (Mỹ), chỉ sau một ngày cuối tuần, nơi này đã nhanh chóng xuất hiện chùm lây nhiễm với 470 trường hợp. Tốc độ lây lan của biến thể Delta quá nhanh chóng; Delta là biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 90% so với virus gốc (Covid-19).

Biến thể Delta có liên quan đáng kể đến việc tăng nhu cầu cung cấp oxy, tỉ lệ nhập viện và tử vong cao so với biến thể Alpha. Biến thể Delta xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ và cho tới nay đã được phát hiện tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Delta là biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 90% so với virus gốc. Tiêm vaccine Covid-19 vẫn là giải pháp có hiệu quả với biến thể Delta. Phần lớn bệnh nhân mắc Covid-19 đang nằm viện đều chưa được tiêm vaccine Covid-19.

Gần đây các nhà khoa học còn phát hiện một loại biến thể, đó là biến thể Lambda có thể kháng vaccine Covid-19, lây truyền nhanh hơn Delta. Tuy nhiên, loại biến thể này còn đang trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới cũng chưa đưa ra một kết luận nào chính xác.

Các nghiên cứu cho thấy rằng các loại vaccine Covid-19 hiện nay vẫn là biện pháp làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong và các nhà khoa học khuyên cáo, cách tốt nhất để mọi người tự bảo vệ mình trước các biến thể là hãy tiêm vaccine Covid-19, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội và rửa tay thường xuyên (thực hiện "5K").

Hành vi khách quan

Người phạm tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", được thể hiện ở một trong các hành vi cụ thể sau:

- Đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Do dịch bệnh thường phát sinh từ những vùng, những khu vực nhất định nên khi phát hiện dịch bệnh, ngành y tế cùng các cơ quan liên quan phải tổ chức khoanh vùng có dịch để xử lý và hạn chế sự lây lan.

Hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác (như dụng cụ, phương tiện giết mổ động vật, vật liệu, bao bì đóng gói, lưu thông vận chuyển động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh) có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người là làm cho dịch lây lan ra khỏi vùng có dịch, gây những hậu quả xấu cho môi trường và tính mạng, sức khỏe của con người trong những vùng chưa bị lây nhiễm.

- Cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Đây là hành vi vi phạm của người có thẩm quyền trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm về phân vùng dịch, kiểm soát dịch bệnh.

- Đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

Hành vi này cũng làm cho dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan vào Việt Nam, gây những hậu quả xấu cho môi trường và cho tính mạng, sức khỏe của con người.

- Cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

Đây là hành vi vi phạm của những người có thẩm quyền trong quản lý nhập cảnh.

- Các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người như: cố tình không tiêm phòng vaccine phòng dịch cho nhân dân; không tổ chức kịp thời khoanh vùng, tẩy uế khu vực có dịch để dịch bệnh có điều kiện lây lan thêm; người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các phương pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc để tránh lây lan dịch bệnh cho người khác… đều có thể làm cho dịch bệnh nguy hiểm lây lan, gây những hậu quả xấu cho môi trường và cho tính mạng, sức khỏe của con người; những hành vi này đều bị coi là hành vi phạm tội.

Đối với các hành vi phạm tội trên thì hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác được coi là “hành vi khác” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Người thực hiện những hành vi nói trên chưa làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì chưa bị coi là tội phạm nhưng có thể bị xử lý hành chính.

Dấu hiệu chủ quan của tội phạm

Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, có thể làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người nhưng vẫn thực hiện. Động cơ và mục đích của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Trước tình hình lây lan dịch bệnh Covid-19, nhằm phục vụ cho công tác xét xử các vụ án hình sự có liên quan đến Covid-19, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo hướng dẫn tại Công văn này, thì người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Ngoài ra, Công văn số 45/TANDTC-PC còn hướng dẫn áp dụng các hành vi phạm tội khác có liên quan đến dịch bệnh Covid-19 .

Đây là hướng dẫn rất kịp thời giúp cho các tòa án địa phương áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 đối với một số tội có liên quan đến đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vì chỉ là công văn được ban hành để hướng dẫn trong tình hình cấp bách của đại dịch Covid-19 nên tính bắt buộc chung chưa cao và cũng chưa hướng dẫn chi tiết đối với các trường hợp khác theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.  Hy vọng rằng, trong thời gian sớm nhất, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ có Nghị quyết hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 để phục vụ cho việc điều tra, truy tố xét xử đối với hành vi "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240 Bộ luật Hình sự nói chung và làm lây lan dịch bệnh Covid-19 nói riêng.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ

Nguyên Chánh tòa Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tối cao

Hoàn thiện cơ chế bảo đảm hoạt động tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa