/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Tội vu cáo đối với người khác theo Bộ luật Gia Long

Tội vu cáo đối với người khác theo Bộ luật Gia Long

28/11/2021 15:25 |

(LSVN) - Nếu vu cáo cho người ta đến tội phải xử tử (thuộc giảo hoặc trảm) và đã bị bắt giết chết rồi thì kẻ vu cáo cũng phải bị xử tử, nhưng trước khi đưa ra xử tử thì gia đình của y cũng phải bồi thường đủ về số tiền phí tổn mà nạn nhân đã phải bỏ ra trong thời gian thi hành án và dùng nửa số gia tài còn lại của y để làm tiền chuộc lỗi và đem cấp phát cho gia đình nạn nhân để làm phương tiện sinh sống.

Ảnh minh họa.

Theo Điều 305 của Luật Gia Long phàm vu cáo đối với người khác phải tội bị đánh roi thì áp dụng chỉnh hình phạt về đánh roi đó để xử đối với kẻ vu cáo và gia tăng thêm 2 bậc. Nếu vụ cáo đối với người kia vào tội lưu, đồ, trượng (cho dù là đã thực hiện hình phạt hay chưa) thì đem ngay hình phạt đó để áp dụng cho kẻ vu cáo và có gia tăng thêm 3 bậc, nhưng mút tội là 100 trượng và lưu 3.000 dặm (nhưng không được gia thêm đến tội phải giết chết).

Nếu như người bị vu cáo đã phải thi hành các hình phạt về đồ lưu thì phải tính ra số phí tổn mà người đó phải chịu trong suốt thời gian bị đồ lưu là bao nhiêu, từ đó lấy tiền của tên vu cáo để trả lại cho người bị vu cáo, nếu là người bị vu cáo đã phải cầm cổ ruộng đất dùng để chi phí trong thời gian phải thi hành án thì lấy tiền của tên vu cáo để chuộc lại những ruộng đất trên cho người bị vu cáo.

Ngoài các khoản trên đây, còn phải lấy thêm một nửa số gia tài của tên vu cáo để cấp cho gia đình của người bị vu cáo. Nếu vì đi theo để làm việc chăm sóc đối với người bị vu cáo ấy mà một người thân thuộc còn phải để tang của người bị vu đến nỗi bị chết thì kẻ vu cáo phải bị tội giảo giam hậu.

Nếu vu cáo cho người ta đến tội phải xử tử (thuộc giảo hoặc trảm) và đã bị bắt giết chết rồi thì kẻ vu cáo cũng phải bị xử tử, nhưng trước khi đưa ra xử tử thì gia đình của y cũng phải bồi thường đủ về số tiền phí tổn mà nạn nhân đã phải bỏ ra trong thời gian thi hành án và dùng nửa số gia tài còn lại của y để làm tiền chuộc lỗi và đem cấp phát cho gia đình nạn nhân để làm phương tiện sinh sống.

Nếu người bị vu cáo chưa bị xử tử thì kẻ vu cáo bị xử phạt 100 trượng và lưu 3.000 dặm, nhưng khi đến nơi lưu đày thì y còn bị gia thêm hình phạt đồ 3 năm. Nếu quả kẻ can phạm là nhà nghèo túng, không thể lo đủ số tiền đền phần lộ phí, cùng với tiền chuộc về nhà ruộng, và cũng không có tài sản để đem cấp cho thân nhân người đã chết thì chỉ xử tội không mà thôi.

Trong sách Đại Nam hội điển sự lệ cũng có chép về hình phạt đối với kẻ phạm tội vu cáo như sau: Phàm kẻ nào vu cáo cho người khác đáng phải xử tội đánh roi thì xử kẻ vu cáo ấy tăng hơn tội đã vu cáo ra 2 bậc, đáng phải tội lưu, đồ, trượng (không kể là đã hay chưa thi hành án và đem đi đày) thì kẻ vu cáo ấy phải gia hơn tội đã vu 3 bậc. Các tội nói trên chỉ xử phạt 100 trượng và lưu 3.000 dặm (và không được gia lên đến tội giảo).

Nếu vu cho người phải tội đồ mà người ấy đã làm việc phục dịch rồi (tức là đã thi hành án rồi), hoặc là vu cho người phải tội lưu mà người ấy đã bị đưa đi đày rồi, thì tuy về sau đã được cải chính và tha cho về, nhưng phải xét xem số ngày của người bị vu cáo và đã bị bắt giam cho đến ngày được tha về là bao nhiêu ngày, cứ theo bản thân tên can phạm ấy mà truy thu số tiền lệ phí đã phải chi dùng đã qua để cấp cho người bị vu cáo. Nếu người bị vu cáo đã phải cầm cố ruộng nhà thì bắt kẻ vu cáo phải lo đủ giá tiền chuộc lại. Nếu vì việc vu cáo ấy mà làm cho một người đi theo người bị vu cáo là thân thuộc còn phải để tang của người bị vu cáo và người ấy đã bị chết thì kẻ vu cáo phải bị tội giảo giam hậu. Trừ những số tiền đền lộ phí và chuộc gia sản ra, lại xử lấy một nửa số gia sản của kẻ can phạm đem cấp cho người bị vu cáo.

Nếu vu cáo cho người đến tội bị xử tử mà người bị vu ấy đã bị xử tử rồi (theo tội xử trảm hay giảo) thì bắt tội lại kẻ vu cáo và đem xử tử. Tuy đã phải tội xử tử nhưng cũng vẫn bắt phải nộp đủ tiền bồi thường, tiền chuộc về gia sản và lấy một nửa số gia sản còn lại để đem cấp cho gia đình của người bị vu cáo và đã xử về tội giết chết để làm tiền cấp dưỡng; nếu như người bị vu chưa bị xử tử thì kẻ vu cáo bị xử phạt 100 trượng, lưu 3.000 dặm, khi đến nơi lưu đày thì y còn bị gia thêm về tội đồ 3 năm.

Nếu như kẻ can phạm quả là nhà nghèo túng, không thể lo đủ số tiền đền phần lộ phí, tiền chuộc về nhà ruộng, cũng không có được tài sản để lấy ra cấp cho nhà người chết làm tiền cấp dưỡng thì chỉ bị xử riêng về tội mà thôi (gọi là phạt phản tọa).

Ở phần Điều lệ, nhà làm luật có nói thêm: “Nếu vu cáo người khác là phản nghịch, gây rối và người bị vu cáo đã bị xử chém ngay rồi thì người vu cáo cũng bị xử chém ngay. Nếu người bị vu cáo chưa đến hạn thi hành về tội chết thì người vu cáo bị xử trảm giam hậu và đều không xử đến vợ con và gia sản”.

Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ về tội "Vu khống", theo đó người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Đối với 02 người trở lên;

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

- Đối với người đang thi hành công vụ;

- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%77;

- Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

- Vì động cơ đê hèn;

- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên78;

- Làm nạn nhân tự sát.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

CẨM NGỌC

Pháp luật triều Nguyễn quy định về chế tài của điều kiện kết hôn

Lê Minh Hoàng