Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của nhân dân.
Theo dự thảo, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải bán toàn bộ số tiền mặt mua được (ngoài số tiền tồn quỹ được để lại) cho tổ chức tín dụng ủy quyền vào cuối mỗi ngày làm việc. Trong trường hợp địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cách xa tổ chức tín dụng ủy quyền, đi lại khó khăn thì tổ chức tín dụng ủy quyền căn cứ vào tình hình thực tế để thỏa thuận với tổ chức kinh tế về thời hạn bán số tiền mặt mua được nhưng tối đa không quá 7 ngày làm việc.
Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới được tồn quỹ hàng ngày một số lượng tiền mặt đồng tiền của nước có chung biên giới theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng ủy quyền với tổ chức làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới nhưng tối đa tương đương không quá 40.000.000 VND để phục vụ hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới.
Trường hợp có nhu cầu tăng mức tồn quỹ (bao gồm cả trường hợp tăng vượt mức tồn quỹ tối đa), tổ chức kinh tế phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, các đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng đồng Việt Nam mua tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt.
Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt lấy đồng Việt Nam cho cá nhân theo quy định.
Tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận với tổ chức tín dụng ủy quyền trong hợp đồng đại lý về việc đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới ở một hoặc nhiều địa điểm tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.
VĂN QUANG
Hướng dẫn hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới