Tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động điều tra

09/06/2019 21:18 | 4 năm trước

LSVNO - Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, những năm qua hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn ch...

LSVNO - Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, những năm qua hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn chỉnh phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người.

Lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ hình ảnh buổi sáng ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt ách nô lệ hơn 100 năm của thực dân Pháp, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam. Trong bản Tuyên ngôn có đoạn “…Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, gần 80 năm qua, quyền con người ngày càng được coi trọng, đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, trong những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn chỉnh phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế trong Hiến chương Liên hiệp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ở Việt Nam, quyền con người được tôn trọng và bảo đảm bằng những điều, khoản ghi trong Chương II, Hiến pháp năm 2013 và bằng các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Các điều, khoản này đều thể hiện đầy đủ quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự với mục đích “Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”.

Điều tra vụ án hình sự là hoạt động tố tụng, đồng thời là hoạt động nghiệp vụ, do cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tiến hành bằng cách áp dụng các biện pháp điều tra và các biện pháp ngăn chặn cần thiết để phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm bảo đảm cho việc xử lý được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân thủ pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, quyền con người trong quá trình điều tra lại dễ bị xâm phạm và bị tổn thương nhất và để lại hậu quả lâu dài cả về thể chất lẫn tinh thần cho các nạn nhân.

Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật

Bên cạnh việc xây dựng hoàn chỉnh pháp luật, thì việc thực thi pháp luật cũng có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Hệ thống pháp luật có thể rất đầy đủ, hoàn thiện nhưng việc thực hiện không nghiêm thì cũng không thể nói đến sự hiện diện của nhà nước pháp quyền.

Những năm gần đây, công tác điều tra, xử lý các vụ án hình sự luôn trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý của cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh những đóng góp to lớn vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì trong hoạt động điều tra cũng xuất hiện hiện tượng tiêu cực như làm sai lệch hồ sơ vụ án, lộ thông tin điều tra, để lọt tội phạm, tình trạng oan sai, mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình… bộc lộ những hạn chế, tồn tại cả về trong quy trình, quy định lẫn trong việc tổ chức thực hiện.

Những sai phạm, thiếu sót tuy không phổ biến nhưng đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây nên sự bất bình trong dư luận xã hội, có trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn: vụ án xuyên 2 thế kỷ của ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh; oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Việt Yên, Bắc Giang; thắt cổ tự tử ở Nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên của bà Trần Thị Hải Yến vào tháng 10/2013 khi những tiếng kêu oan của bà không được cơ quan điều tra xem xét. Trách nhiệm bảo đảm các quyền con người của người bị tình nghi phạm tội, bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can và những người liên quan khác chủ yếu phụ thuộc vào cơ quan điều tra và cán bộ điều tra.

Để nâng cao hiệu quả công tác, nâng cao uy tín của Nhà nước và bảo đảm quyền tự do của công dân trong quá trình thực thi công vụ thì cơ quan điều tra, cán bộ điều tra đặc biệt phải coi trọng việc bảo đảm các quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận và Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, bao gồm:

Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân: Đây là nguyên tắc có tính chất bao trùm, xuyên suốt trong giai đoạn điều tra cũng như trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo không một công dân nào bị xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp.

Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật: Pháp luật tố tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội.

Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Quyền này là tiền đề cho việc bảo đảm các quyền con người trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhưng đặc biệt có ý nghĩa rất lớn trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền con người trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.

Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân: Là một quyền con người quan trọng được Bộ luật Tố tụng hình sự bảo vệ, quy định cụ thể việc không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ, việc tước đi tự do của một người phải có lý do và theo đúng những thủ tục luật pháp, đồng thời nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Một trong những vi phạm nhân phẩm con người, vi phạm quyền con người thô bạo nhất là hành động tra tấn. Hành động này phá hoại nhân phẩm và làm tổn thương khả năng tiếp tục sống và hoạt động của các nạn nhân. Theo Ủy ban Giám sát thực hiện công ước của Liên hiệp quốc, tương tự như quyền sống, quyền không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay bị hạ nhục con người không thể bị vi phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia.

Trong những trường hợp đặc biệt, người bị hại, người tố cáo, người làm chứng và những người liên quan khác để giữ bí mật theo yêu cầu chính đáng của họ, cơ quan điều tra, các điều tra viên ngoài việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân; quyền bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân; cần tuyệt đối giữ bí mật những thông tin cá nhân và phải có chương trình bảo vệ nhân chứng phục vụ cho quá trình điều tra quy định tại Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự. Ví dụ:  Trong các vụ án xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ, trẻ em, bảo vệ người tố cáo trong các vụ việc, vụ án tham nhũng…

Xác định sự thật của vụ án: Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội.

Như vậy, trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh họ vô tội, không phải chứng minh sự thật khách quan của vụ án.

Quyền được coi là vô tội đến khi tội phạm được chứng minh theo pháp luật là một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động tố tụng kể từ giai đoạn khởi tố bị can đến suốt quá trình xét xử của tòa án và bản án có hiệu lực pháp luật.

Ở Việt Nam, quyền im lặng không được quy định trực tiếp và rõ ràng trong Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng trong Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Im lặng là quyền con người trong tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra tôn trọng sự im lặng của người bị tạm giữ, tạm giam là tôn trọng quyền con người.

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự: Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch. Quyền này đặc biệt có ý nghĩa với người nước ngoài hoặc người thuộc các dân tộc thiểu số, người có khiếm khuyết về khả năng nghe, nói.

Tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự không những là vấn đề mang tính kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, khách quan trong quá trình điều tra vụ án hình sự mà còn là cơ sơ để thực hiện quyền dân chủ và là điều kiện thực tế để công dân thực hiện quyền tố tụng của họ. Vì vậy, những người không biết hoặc sử dụng không thành thạo tiếng Việt thì họ sẽ sử dụng tiếng nói và chữ viết thông thạo nhất và trong trường hợp này phải có phiên dịch.

Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo: Trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra chủ yếu thuộc về phía cơ quan điều tra. Để bảo đảm quyền bào chữa, cơ quan điều tra phải tạo những điều kiện cho người bị tạm giữ và bị can tự mình hoặc nhờ người khác thực hiện quyền bào chữa. Việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra là rất cần thiết và cần phải không ngừng được nâng cao.

Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 32 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; gửi văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức khiếu nại và có biện pháp khắc phục.

Điều này thể hiện bản chất dân chủ của pháp luật tố tụng hình sự nước ta. Nó có ý nghĩa không những đảm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà còn góp phần vào việc phát hiện khắc phục sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Để tạo điều kiện cho quá trình điều tra được thuận lợi, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định khá chặt chẽ các căn cứ để áp dụng biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú… cũng như các biện pháp cưỡng chế khác như khám người, khám chỗ ở, tịch thu tài sản,thư tín…

Tất cả các biện pháp cưỡng chế trên đòi hỏi cơ quan điều tra, các điều tra viên không được áp dụng tùy tiện, lạm dụng mà chỉ được thực hiện khi có căn cứ và theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Ví dụ: hết thời hạn tạm giữ nếu cơ quan điều tra không có căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ.

Nếu hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm thì phải đình chỉ điều tra, hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, trả lại cho họ trạng thái bình thường của người vô tội và xin lỗi công khai, đồng thời phải bồi thường những thiệt hại…

Như vậy, những quyền được ghi trong Hiến pháp và những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự chính là cơ sở để cơ quan điều tra, các điều tra viên phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, qua đó bảo đảm quyền con người của người trong quá trình điều tra.

Tăng cường đạo đức công vụ trong quá trình điều tra

Đây là vấn đề được đặt ra hết sức bức thiết nhằm ngăn chặn và hạn chế những tiêu cực, tình trạng sách nhiễu, quan liêu của điều tra viên, kiểm sát viên. Thực tiễn cho thấy, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có chặt chẽ đến đâu cũng khó có thể đem lại hiệu quả như mong muốn nếu như trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ điều tra, kiểm sát viên không thực hiện nghiêm pháp luật, chấp hành không đúng quy chế, quy tắc ứng xử đã được thể chế hóa.

Cán bộ điều tra, kiểm sát viên phải luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng; kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hết sức mình cho sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Cán bộ điều tra, kiểm sát viên trước tiên phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của ngành; luôn đối diện với những mặt trái của xã hội, cán bộ điều tra, kiểm sát viên phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua những cám dỗ vật chất, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện nghiêm các quy định của ngành trong việc giải quyết các yêu cầu của vụ án, của công dân; trong các mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới, với đồng nghiệp và với nhân dân có thái độ văn minh, lịch sự nhằm xây dựng nếp sống văn hóa “Vì nhân dân phục vụ”, đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tôn trọng và gắn bó mật thiết với nhân dân để được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Cán bộ điều tra, kiểm sát viên phải trung thực, công minh, vô tư, khách quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, không làm trái pháp luật, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm hoặc gây thiệt hại cho người khác; không vi phạm đến các quyền con người được Hiến pháp và pháp luật quy định làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật; đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ điều tra, kiểm sát viên phải ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, nắm vững kiến thức pháp luật để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao nhất.

Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp là tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và người tiến hành tố tụng trong phát hiện, xử lý tội phạm và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp dân chủ, công bằng, nghiêm minh.

Cù Tất Dũng