/ Pháp luật - Đời sống
/ Tổng cục Quản lý đất đai nói gì về việc ghi tên các thành viên gia đình vào Giấy CNQSDĐ?

Tổng cục Quản lý đất đai nói gì về việc ghi tên các thành viên gia đình vào Giấy CNQSDĐ?

06/09/2022 02:54 |

(LSVN) - Theo Tổng cục Quản lý đất đai, việc cấp giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất nhằm tránh tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.

Nhận nhà bao lâu thì sẽ được cấp sổ đỏ?

Ảnh minh họa. 

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai 2013, trong đó quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình. Theo đó, trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) này, trường hợp các thành viên của hộ gia đình có nhu cầu thì sổ đỏ cấp hộ gia đình sẽ được ghi tên tất cả các thành viên của hộ gia đình đó.

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất đai tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, trường hợp cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho đối tượng là hộ gia đình thì ghi "hộ ông" hoặc "hộ bà", sau đó ghi tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.   

Kế thừa quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai nêu trên, tại khoản 33 Điều 3 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp tục quy định đối tượng sử dụng đất hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Để đồng bộ với quy định của pháp luật về dân sự trong xác định các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia, thỏa thuận giao dịch dân sự, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tạo sự lựa chọn cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình nếu có nhu cầu thì cấp một giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất nhằm tránh tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình; minh bạch về đối tượng khi hộ gia đình đưa quyền sử dụng đất tham gia vào thị trường bất động sản...

PV

Nhiều chính sách mới về lao động - bảo hiểm có hiệu lực trong tháng 9

Lê Minh Hoàng