(LSVN) - Trong cuộc họp chiều 09/12 giữa Tổng cục Thuế và Grab, Tổng cục Thuế cho rằng "Grab thông tin do tác động của Nghị định 126 dẫn đến phải tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7%" là không đúng.
Tổng cục Thuế vừa có cuộc làm việc với đại diện Công ty Grab và tại cuộc họp Tổng cục Thuế đã giải thích rõ cho Grab biết về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng.
Cụ thể, Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh. Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo quy định.
"Tại cuộc họp, đại diện của Grab cũng chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế là do ảnh hưởng của Nghị định 126", Tổng cục Thuế thông tin.
Cũng theo Tổng cục Thuế, theo quy định tại Nghị định 126, hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức, tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong thời gian qua do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định. Nghị định 126 là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng. Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% như từ trước đến nay.
"Như vậy, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế giá trị gia tăng 10% đối với vẫn tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay)", Tổng cục Thuế cho hay.
Cũng theo cơ quan này, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế. Trách nhiệm của Grab trong việc phải thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
"Grab được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ. Vì thực tế Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh", theo Tổng cục Thuế.
Cơ quan Thuế cũng cho rằng, việc Grab vừa có thay đổi chính sách giá và tỷ lệ chiết khấu cho tài xế tại thời điểm 05/12 và trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày vừa qua phản ảnh Grab cho rằng do tác động của Nghị định 126 dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng. Do vậy mà Tổng cục Thuế đã có giấy mời đại diện Grab giải trình về việc này tại buổi họp chiều 09/12.
Trước đó, trước thông tin Nghị định 126 có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12, Grab Việt Nam đã có một số động thái điều chỉnh.
Lý do được đưa ra là việc tăng thuế giá trị gia tăng đến 10% với mỗi cuốc xe công nghệ theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP nên Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp.
Grab cũng thay đổi chính sách với lái xe với việc tăng tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 23,6% lên 27,273%; với GrabCar, mức khấu trừ mới là 28,364% và 32,841% so với mức 23,6% và 28,375% trước kia. Cùng với tăng chiết khấu, Grab cũng tăng giá cước với mục đích bù lại mức tăng thuế.
Những năm gần đây, “ông lớn” Grab đang bị cạnh tranh bởi Gojek, FastGo, Baemin, Now,... làm thị phần giảm, trong khi lượng tài xế vẫn tăng mạnh. Đây là một nguyên nhân khiến tài xế gặp khó khăn trong việc cạnh tranh việc làm.
Theo một chuyên gia về vận tải, khi xe công nghệ tăng giá, người tiêu dùng có thể lựa chọn quay về dịch vụ truyền thống.
Về lâu dài, sự cạnh tranh công bằng trên thị trường giữa dịch vụ vận chuyển công nghệ và truyền thống cũng là động lực để hai bên cùng phát triển, người tiêu dùng có thể hưởng lợi và có nhiều lựa chọn về dịch vụ.
TRẦN MY