Ảnh minh họa.
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 (Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/4/2021)
Đối tượng áp dụng của Nghị định: Không phải tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân đều thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này, mà chỉ một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực được ưu tiên phát triển; những ngành trọng điểm; những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; những tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mới được hỗ trợ.
Đối với thuế giá trị gia tăng: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp. Thời hạn gia hạn từ 03 tháng đến 05 tháng tùy từng trường hợp cụ thể.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn, chậm nhất là ngày 31/12/2021.
Đối với tiền thuê đất: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31/5/2021.
Một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2021)
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng. Thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người /tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em: Người lao động thuộc các đối tượng hỗ trợ trên đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha; Trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn; được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Hỗ trợ tiền ăn: Mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
Hỗ trợ một lần: Mức 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.
Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên, trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 03 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố tự xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Ngày 08/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP nêu trên theo hướng nới lỏng một số điều kiện để được nhận trợ cấp và mở rộng nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp.
Giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 25/9/2021)
Đối tượng áp dụng: Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Mức giảm tiền thuê đất: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có).
Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp(Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 01/10/2021)
Đối tượng được hỗ trợ: Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội), không bao gồm các trường hợp sau: Người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Người lao động đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập; Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người đã có quyết định hưởng lương hưu hằng tháng; Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần bằng tiền từ 1.800.000 đồng/người đến 3.300.000 đồng/người tùy thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài các quy định được trích dẫn ở trên, các ngành, các địa phương còn rất nhiều các chương trình hỗ trợ khác mang tính đặc thù, vùng miền như giảm giá điện, nước tại các địa phương áp dụng quy định về giãn cách xã hội; giảm tiền lãi vay theo chương trình hỗ trợ của các tổ chức tín dụng; hỗ trợ người nghèo, trợ cấp cho tuyến đầu chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ đưa đón bà con từ vùng dịch trở về…
Những chính sách hỗ trợ trên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trước mắt; mà còn giúp lưu thông tiền tệ, hạn chế lạm phát. Bước đầu, nhờ nguồn hỗ trợ quý báu này mà người dân và doanh nghiệp đã dần ổn định đời sống và bắt tay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế. Doanh nghiệp ngoài khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn, thì cũng rất cần được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, triển khai việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua phương tiện điện tử, tạo tính minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp ở các khâu trung gian.
Ngoài ra, với vai trò là tổ chức đại diện cho người lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam); vai trò là tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động (gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam – VCA), các tổ chức này cần phải hoạt động mạnh mẽ và thực chất hơn nữa, là cầu nối giữa người lao động, người sử dụng lao động và Chính phủ để tạo nên sự kết nối thông suốt giúp khắc phục những khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng lao động.
Cùng với sự nỗ lực đổi mới từ Chính phủ, cùng với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động đang được triển khai, kết hợp với việc tiêm vaccine phòngCovid-19 trên diện rộng, chắc chắn trong thời gian tới, nền kinh tế nước ta sẽ từng bước được phục hồi và phát triển.
Luật sư, Thạc sĩ NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội