/ Hoạt động Luật sư
/ Tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt nhiều kết quả tốt

Tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt nhiều kết quả tốt

30/03/2023 11:13 |

(LSVN) - Qua 15 năm thi hành Luật Luật sư có thể thấy trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn của Luật sư trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Đoàn Luật sư tỉnh đã lồng ghép phổ biến, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Luật sư thông qua các buổi sinh hoạt, các kỳ đại hội; cử Luật sư tham gia đầy đủ các đợt bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng hành nghề Luật sư, các hội thảo, tọa đàm do Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.

Luật Luật sư.

Theo đó, khi Luật Luật sư năm 2006 được ban hành, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 13 tổ chức hành nghề Luật sư, với 34 Luật sư; đến nay, toàn tỉnh có 29 tổ chức hành nghề Luật sư và 15 chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư, với 66 Luật sư là thành viên Đoàn Luật sư tỉnh và 10 Luật sư thuộc Đoàn Luật sư của các tỉnh khác hoạt động tại các Chi nhánh.

Qua 15 năm thi hành Luật Luật sư, công tác tổ chức và hoạt động Luật sư trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.

Cụ thể, qua đánh giá công tác triển khai thi hành Luật Luật sư, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, công tác Luật sư trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Số vụ việc có Luật sư tham gia trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử ngày càng tăng, chất lượng bào chữa của Luật sư được nâng cao; hoạt động tham gia giải quyết tranh chấp thương mại và hòa giải thương mại của Luật sư có sự phát triển. Đa số Luật sư đều có ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nội quy của Đoàn Luật sư...

Hoạt động hành nghề của Luật sư góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, đương sự; giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ sự thật khách quan của nhiều vụ án, bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thi hành Luật Luật sư đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho đội ngũ Luật sư hành nghề, góp phần bảo vệ thiết chế xã hội chủ nghĩa, quyền lợi chính đáng của Nhà nước và Nhân dân.

Đối với công tác phát triển số lượng, chất lượng Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, xác định công tác xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư là một công tác trọng tâm. Năm 2009, Sở Tư pháp đã phối hợp với Học viện tư pháp, Bộ Tư pháp tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ Luật sư tại tỉnh Quảng Nam cho 70 học viên. Đây là nguồn bổ sung cho đội ngũ Luật sư trên địa bàn tỉnh, phát triển theo Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 của tỉnh. Đến nay, số lượng Luật sư hành nghề tại tỉnh Quảng nam đã từng bước tăng cường, toàn tỉnh có 66 Luật sư (tăng 32 Luật sư so với năm 2007), trong đó có 08 Luật sư có trình độ Thạc sĩ Luật, 58 Luật sư có trình độ Cử nhân Luật.

Chất lượng tập sự hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao. Người tập sự hành nghề Luật sư kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật, rèn luyện kỹ năng hành nghề Luật sư, Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ. Từ năm 2007 đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh đã tiếp nhận 97 người tập sự hành nghề Luật sư. Hoạt động giám sát tập sự hành nghề Luật sư vẫn chưa được sâu sát, bài bản, vẫn còn trường hợp đăng ký tập sự ở một nơi nhưng làm việc ở một nơi khác dẫn đến việc tập sự chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Việc giám sát tập sự hành nghề Luật sư của Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư nhận tập sự còn lỏng lẻo, chưa đáp ứng yêu cầu.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn của Luật sư trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Đoàn Luật sư tỉnh đã lồng ghép phổ biến, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Luật sư thông qua các buổi sinh hoạt, các kỳ đại hội; cử Luật sư tham gia đầy đủ các đợt bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng hành nghề Luật sư, các hội thảo, tọa đàm do Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức. Một số Luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ nhiều vụ án phức tạp, thực hiện nhiều dịch vụ pháp lý đạt chất lượng, hiệu quả, được các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân ghi nhận, ủng hộ. Qua đó, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò, sự cần thiết của hoạt động Luật sư trong đời sống xã hội.

Hằng năm, các Luật sư đều được tham gia đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Chất lượng của Luật sư từng bước được nâng lên rõ rệt, có đủ bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, quá trình hoạt động tuân thủ đúng chủ trương đường lối của Đảng và Hiến pháp, pháp luật. Hoạt động của Luật sư ở địa phương đã phát triển ngang tầm với nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực về thương mại quốc tế thì Luật sư tại địa phương hoạt động còn hạn chế, chưa đủ trình độ chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia vào các vụ việc về thương mại quốc tế. Nhìn chung, đội ngũ Luật sư trên địa bàn tỉnh hiện nay về cơ bản đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, hiệu quả hoạt động tư vấn pháp lý và tham gia tố tụng ngày càng cao; qua đó, khẳng định được vị trí, vai trò của Luật sư trong việc góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, hỗ trợ về mặt pháp lý cho các cơ quan, tổ chức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, chưa có Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài đăng ký hành nghề trên địa bàn tỉnh.

Về tổ chức hành nghề Luật sư, toàn tỉnh hiện có 29 tổ chức hành nghề Luật sư (19 văn phòng Luật sư và 10 công ty luật), 15 chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư và 08 văn phòng giao dịch. Các tổ chức hành nghề Luật sư chủ yếu tập trung tại tỉnh Tam Kỳ. Hầu hết các tổ chức hành nghề Luật sư được tổ chức theo quy mô nhỏ từ 1 đến 5 Luật sư. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức hành nghề Luật sư nào hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Về hoạt động hành nghề Luật sư, trước tình hình án chỉ định, trợ giúp pháp lý tại địa phương ngày càng gia tăng, nhất là đối tượng phạm tội là người chưa thành niên, người nghèo, các loại tội phạm sở hữu, xâm phạm tính mạng sức khoẻ, tội phạm xảy ra tại các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Trong thời gian qua, Đoàn Luật sư đã đảm nhận và phân công các tổ chức hành nghề cử Luật sư tham gia:

- Tham gia tố tụng theo yêu cầu của các cơ quan THTT: 1.709 lượt vụ án các loại;

- Trợ giúp pháp lý (theo yêu cầu của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh): 684 trường hợp;

- Đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý miễn phí khác: 11.400 lượt vụ việc.

Nhìn chung phần lớn các vụ án, vụ việc được phân công và đảm nhận, các Luật sư đều tham gia kịp thời, với tinh thần nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao (thậm chí có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, thời gian kéo dài, nhiều vụ án tại các huyện miền núi xa trung tâm tỉnh lỵ, hoặc tỉnh khác điều kiện đi lại khó khăn, vất vả,...).

Ngoài hoạt động chuyên môn nghề nghiệp Luật sư, Đoàn Luật sư và các thành viên Đoàn Luật sư đã tham gia giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ khi có Luật Đất đai 2003 đến 2011”, báo cáo “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự” theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đặc biệt, đã tham gia góp ý vào dự thảo các văn bản pháp luật theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh. Các thành viên Đoàn Luật sư cũng đã đảm nhận và tham gia tư vấn pháp luật, giảng dạy cho các đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh.

Về quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư, thực hiện nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực Luật sư, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức thành công các Đại hội nhiệm kỳ Đoàn Luật sư. Bộ máy Ban Chủ nhiệm Đoàn ngày càng được củng cố và đi vào hoạt động nề nếp, xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên, góp phần tích cực vào tính hiệu quả hoạt động và sự ổn định về tổ chức của Đoàn. Để tăng cường sự kết hợp giữa công tác quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của Đoàn Luật sư trong tổ chức và hoạt động hành nghề Luật sư, đồng thời tạo ra sự thống nhất đồng bộ trong việc thực hiện Luật Luật sư và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam và Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam thống nhất ký kết Quy chế phối hợp công tác quản lý Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh số 93 /QC- STP-ĐLS ngày 19/7/2016. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ với Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức Lễ trao chứng chỉ hành nghề Luật sư và thẻ Luật sư cho các Luật sư mới gia nhập Đoàn Luật sư.

Hàng năm, Sở Tư pháp thành lập các Đoàn Thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh; từ năm 2007 đến nay, Sở Tư pháp đã thành lập 44 Đoàn Thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức hành nghề Luật sư. Qua thanh tra, kiểm tra đã phạt Cảnh cáo 03 tổ chức hành nghề Luật sư đối với hành vi "Không báo cáo đúng thời hạn về tình hình tổ chức hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền" theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, phạt cảnh cáo đối với hành vi "Không công bố theo quy định đối với nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư" theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP; Đoàn Kiểm tra, thanh tra có mời thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tham gia, phối hợp giải quyết một số vướng mắc của các tổ chức hành nghề Luật sư.

Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức các buổi làm việc với Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh, đồng thời quán triệt việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và đọa đức nghề nghiệp Luật sư. Công tác thu hồi, cấp giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư được thực hiện kịp thời, đúng quy định pháp luật. Từ năm 2007 đến nay, Sở Tư pháp đã cấp 22 giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề Luật sư, 23 Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư; thu hồi 06 giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư, 08 giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề Luật sư.

Qua công tác quản lý nhà nước, nhận thấy hầu hết các tổ chức hành nghề Luật sư chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về Luật sư và các quy định pháp luật khác có liên quan trong quá trình hoạt động hành nghề Luật sư, xây dựng được nề nếp trong hoạt động hành nghề, tuy nhiên, việc thực hiện chế độ báo cáo hằng năm của các tổ chức hành nghề Luật sư vẫn còn chậm trễ.

Về vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, Đoàn Luật sư tỉnh ngày càng được củng cố, hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Các thành viên Ban Chủ nhiệm dù hoạt động kiêm nhiệm, vừa là Luật sư, Trưởng Văn phòng Luật sư nhưng vẫn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động của Đoàn, kịp thời phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác quản lý đội ngũ Luật sư. Thông qua các buổi họp giao ban, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thường xuyên quán triệt, nhắc các tổ chức hành nghề Luật sư, Luật sư thành viên và người tập sự hành nghề không ngừng học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, chấp hành tốt Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, các đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động hành nghề Luật sư. Đối với người tập sự hành nghề Luật sư, cùng với việc tiếp nhận tập sự, Ban Chủ nhiệm thường xuyên phổ biến, quán triệt việc chấp hành pháp luật, các quy định của Luật Luật sư, Quy chế tập sự hành nghề Luật sư,...

Thành viên Ban Chủ nhiệm và các Luật sư đã tích cực tham gia các công tác khác như: Đại biểu HĐND tỉnh, ủy viên Ban pháp chế HĐND tỉnh, ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật Mặt trận tỉnh, cộng tác viên Trợ giúp pháp lý. Tích cực tham gia các Đoàn Giám sát theo chương trình đã ký phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh; đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở Tư pháp, Hội Luật gia. Đoàn Luật sư thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, pháp lý, trong đó có công tác góp ý, xây dựng pháp luật, góp ý nhiều dự thảo Luật quan trọng như dự thảo Hiến pháp 2013, dự thảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai,….tham gia góp ý trong các hội nghị phản biện do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức liên quan đến các chính sách bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, tham gia góp ý dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ký chương trình phối hợp số 05/CTPH-MTTQ-TT-TP-HLG-ĐLS với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia về việc thực hiện và giám sát công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tham gia Hội đồng Tư vấn dân chủ - oháp luật của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam khảo sát một số địa phương về công tác thực hiện dân chủ trong thu hồi đất… Một số Luật sư của Đoàn được tham gia là uỷ viên Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, tham gia Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, 01 Luật sư là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh 03 nhiệm kỳ, thành viên Ban pháp chế 02 nhiệm kỳ.

Mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn Luật sư với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh được tăng cường, nhất là mối quan hệ với Sở Tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng, các Đoàn Luật sư tỉnh bạn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trong quản lý nhà nước và hoạt động hành nghề của Luật sư.

Những khó khăn, vướng mắc

Việc thành lập được tổ chức đảng tại Đoàn Luật sư là rất khó khăn. Số lượng Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư tại tỉnh còn ít, hoạt động nhỏ lẻ, dàn trải tại nhiều địa phương, chưa có tính liên kết trong hành nghề. Cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động quản lý hoạt động hành nghề còn hạn chế; vẫn còn một số tổ chức hành nghề Luật sư chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư; chưa tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc đối với Luật sư.

Số lượng và chất lượng hoạt động hành nghề Luật sư chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề của một số Luật sư, nhất là Luật sư trẻ vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Chưa hình thành được đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, Luật sư hoạt động chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá…

Một số tổ chức hành nghề Luật sư chưa thực hiện tốt hoặc chưa đảm bảo đầy đủ nội dung đối với việc ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với khách hàng, không xuất hóa đơn, chứng từ cho khách hàng theo quy định; công tác lưu trữ hồ sơ, nghĩa vụ đăng ký mã số thuế, nộp thuế, tài chính chưa đảm bảo. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư chưa thống kê được chính xác hoạt động của các tổ chức hành nghề Luật sư, số liệu báo cáo còn mang tính đối phó, chưa sát thực tế; công tác quản lý các Luật sư thành viên chưa chặt chẽ,… Một số Luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật như lợi dụng hoạt động Luật sư để thực hiện hành vi lừa đảo, đòi nợ thuê...

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc

Việc thực hiện các hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và người dân về vị trí, vai trò của Luật sư chưa đạt được hiệu quả cao. Một số ngành và địa phương chưa nhận thức được vị trí, vai trò của Luật sư và hoạt động Luật sư trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; chưa có sự phối hợp và tạo điều kiện để Luật sư hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.

Công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với Đoàn Luật sư địa phương chưa phát huy hiệu quả tối đa, mặc dù Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh. Chưa có những giải pháp quản lý mang tính chiến lược nhằm đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề của Luật sư.

Hiện nay, Đoàn Luật sư mặc dù đã có 15 đảng viên, nhưng chưa thành lập được Chi bộ đảng do các thành viên trong Ban Chủ nhiệm chưa phải là đảng viên nên rất khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư chưa có kế hoạch dài hạn có tính định hướng trong việc phát triển thành viên cả về số lượng và chất lượng; chưa xác định được mô hình tự quản một cách hữu hiệu và khả thi trên thực tế.

THÚC PHƯƠNG

(Theo Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam)

Quảng Nam: Báo cáo kết quả triển khai và chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người

Bùi Thị Thanh Loan