Tổng thống Joe Biden ký duyệt dự Luật nâng trần nợ công. Ảnh: Reuters.
Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong tuần đã bỏ phiếu thông qua dự Luật nâng trần nợ công Mỹ sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sau các cuộc đàm phán căng thẳng. Tổng thống Biden đã ký duyệt dự Luật này 01 ngày sau khi được quốc hội chính thức thông qua và gọi đây là một thành công của cả hai đảng.
Với tên gọi chính thức là Đạo Luật trách nhiệm tài khóa, dự Luật này đình chỉ trần nợ công đến năm 2025, hạn chế chi tiêu phi quốc phòng, mở rộng điều kiện đối với các cá nhân được nhận trợ cấp chính phủ và thu lại một số quỹ hỗ trợ Covid-19 và nhiều chính sách khác.
Trong năm tài chính tiếp theo, thỏa thuận trần nợ này phân bổ 704 tỉ USD cho chi tiêu phi quốc phòng và khoảng 30 tỉ USD tiền cứu trợ đại dịch Covid-19 chưa được sử dụng cũng sẽ bị hủy bỏ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết các hạn chế chi tiêu trong dự Luật sẽ giảm thâm hụt 1.500 tỉ USD trong 10 năm.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã giữ nguyên xếp hạng "AAA" của Mỹ ở diện theo dõi tiêu cực, dù thỏa thuận về trần nợ công được phê chuẩn.
Fitch thừa nhận, việc đạt được thỏa thuận là một diễn biến tích cực, trong khi thâm hụt ngân sách giảm ở mức khiêm tốn trong hai năm tới. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, những bất đồng liên tục về trần nợ và việc đình chỉ áp dụng trần nợ vào phút chót đã làm giảm lòng tin vào năng lực quản trị về các vấn đề tài khóa và nợ của Mỹ.
Theo VOV
LHQ sẽ công bố dự thảo về hiệp định ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa vào cuối năm nay