Một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines có cuộc điện đàm với người đồng cấp trong Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden về việc gia hạn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng đang bị đe dọa hủy bỏ, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đã đưa ra cảnh báo, nếu binh sĩ Mỹ muốn ở Philippines và muốn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) được thực hiện thì “phải trả tiền".
Lời cảnh báo được đưa trong buổi nói chuyện của ông với binh sĩ tại căn cứ quân sự cuối tuần qua. Nhà lãnh đạo Philippines cho đây là trách nhiệm chung bởi khi chiến tranh nổ ra tất cả đều phải chi trả. Tuy nhiên, ông không nói chi tiết về việc Mỹ sẽ phải chi trả như thế nào để hiệp ước quân sự song phương được tồn tại. Đầu năm 2020, ông Duterte đơn phương thông báo sẽ hủy bỏ VFA, khiến thỏa thuận này chỉ kéo dài tới tháng 8/2020. Ông đột ngột tuyên bố tạm ngưng quá trình hủy bỏ hai lần vào tháng 6 và tháng 11. Tháng 12/2020, Tổng thống Duterte lại tuyên bố sẽ tiếp tục hủy bỏ VFA nếu Mỹ không tài trợ ít nhất 20 triệu liều vaccine Covid-19 cho Manila.
Phía Mỹ hiện chưa có bình luận về tuyên bố này của Tổng thống Duterte. Hôm nay, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định, “Mỹ sẽ thực hiện trách nhiệm của mình đối với các liên minh hiệp ước, bao gồm cả liên minh với Philippines “một cách nghiêm túc”.
Trước đó, trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và người đồng cấp Mỹ, Lloyd Austin ngày 12/02 về VFA cũng như Hiệp ước phòng thủ chung, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định các quan chức quốc phòng nước này quan tâm đến việc tiếp tục duy trì VFA. Lực lượng vũ trang Philippines có thể nâng cao năng lực bằng cách trải nghiệm và làm quen với các thiết bị mới của Mỹ trong quá trình hợp tác thông qua các cuộc tập trận trong khuôn khổ VFA. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng nằm ở Tổng thống Duterte.
Ông Lorenzana cũng nói với người đồng cấp rằng Philippines không muốn có bất kỳ tính toán sai lầm hoặc tai nạn nào ở Biển Đông có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ Mỹ và Trung Quốc. Philippines đang tránh tiến hành các cuộc tập trận ở các vùng lãnh thổ tranh chấp trong Biển Đông vì hành động này có thể làm leo thang căng thẳng vốn đã gia tăng trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng bày tỏ quan ngại khi hải quân các quốc gia giao chiến với Trung Quốc thì Philippines có thể rơi vào tình thế khó xử do Hiệp ước phòng thủ chung. Philippines hi vọng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ sớm được hoàn thành để các quy tắc tại các khu vực tranh chấp có thể được thiết lập.
Một năm trước, ông Duterte tuyên bố chấm dứt VFA, thoả thuận có từ năm 1998, nhưng vài tháng sau lại quyết định hoãn chấm dứt. Dù ông Duterte nhiều lần hoài nghi lợi ích có được từ quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng quân đội Philippines vẫn phối hợp với các đối tác Mỹ để đối phó với tình trạng Trung Quốc quyết liệt củng cố yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines nói trong báo cáo đăng tải ngày 12/02 trên tài khoản Twitter rằng chính quyền Duterte đã gửi 60 công hàm ngoại giao đến Trung Quốc, trong đó có công hàm ngày 27/01 để phản đối chuyện Bắc Kinh thông qua Luật Hải cảnh mới để cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu nước ngoài trên các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ.
THÁI HÀ(t/h)
Tổng thống Mỹ, Pháp, Hàn Quốc chúc mừng năm mới Tân Sửu 2021