Ảnh minh hoạ.
Trong dự thảo Quy hoạch TP. HCM, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 khoảng 62,59 tỉ USD. Trong đó, đề án đường sắt đô thị chiếm khoảng 35%. Như vậy, vốn cho đường sắt đô thị là rất lớn. Bên cạnh đó, các dự án hiện nay của TP. HCM cần vốn rất lớn, nguồn ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp không đủ đáp ứng nên cần huy động dưới nhiều hình thức khác, trong đó có huy động từ nguồn vốn vay.
Thành phố cũng đang thực hiện các dự án ODA với mức vay lại quy mô lớn và tiếp tục thực hiện đề án đường sắt đô thị. Vì vậy, tổng mức vay và bội chi ngân sách hằng năm cần được Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh để đảm bảo đủ nhu cầu vốn vay của TP trong giai đoạn tới.
Về tính khả thi huy động vốn, UBND TP. HCM cho biết các khoản tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn thu phân chia theo tỉ lệ trung ương 79% và TP. HCM 21%. Phần tăng thu của trung ương sẽ điều tiết về ngân sách trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định thưởng vượt dự toán. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu vốn làm đường sắt đô thị, TP. HCM đề xuất giữ lại số tăng thu này để làm đề án. Việc này vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương.
TP. HCM cũng dự kiến thu về khoảng 6,5 tỉ USD từ đấu giá các khu đất xung quanh nhà ga metro số 1, 2, 3, 4, 5. Nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, TP. HCM dự kiến sử dụng từ 10% - 40% mỗi năm trong nguồn vốn đầu tư công để ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đồng thời phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Ngoài ra, việc thực hiện đề án sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.
PV