Ảnh minh họa.
Theo Sở GD&ĐT TP. HCM, ngành giáo dục thành phố xác định việc học trực tuyến sẽ kéo dài trong học kỳ 1 năm học 2021-2022. Riêng bậc mầm non do phải học trực tiếp nên chưa bắt đầu năm học mới. Để mở cửa trở lại các ngành hoạt động, phục hồi kinh tế, cần tính toán cho học sinh quay lại trường. Đây là điều kiện rất quan trọng giúp các địa phương sớm ổn định, để người lớn yên tâm đi làm. Việc tận dụng “khoảng thời gian vàng” để học sinh được học trực tiếp vừa là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục vừa là điều kiện cơ bản để ổn định xã hội.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là bậc mầm non đang vô cùng khó khăn. Nhiều đơn vị đã ngưng hoạt động. Các địa phương hiện đang đối diện với khó khăn cả về trường lớp (sử dụng để phòng, chống dịch) lẫn đội ngũ (chưa tuyển dụng được; cán bộ, giáo viên bị nhiễm hoặc bị phong tỏa do Covid-19, bỏ nghề…). Nhiều học sinh gặp khó khăn, thiếu điều kiện để học trực tuyến. Tâm lý người dân còn lo lắng về an toàn cho trẻ khi đến trường. Do đó, cần có phương án từng bước cho học sinh trở lại trường học, ưu tiên khối nhỏ (để người lớn đi làm), chính khóa, kết hợp với công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng tình đưa trẻ đến trường.
Căn cứ tình hình và mục tiêu đề ra, Sở GD&ĐT thành phố đề ra phương án mở cửa trường học trở lại đối với địa phương được xác định là an toàn trong phòng, chống dịch. Khi các quận huyện được xác định là an toàn trong phòng, chống Covid-19 theo các tiêu chí chung của thành phố, UBND cấp quận, huyện xây dựng kế hoạch mở cửa trường học với các yêu cầu cơ bản gồm: Địa phương phải xác định là an toàn trong phòng, chống Covid-19; Cơ sở giáo dục được đánh giá an toàn theo Bộ Tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học. Đồng thời, đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần. Chỉ tổ chức học trực tiếp cho những học sinh trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện. Vẫn tiếp tục tổ chức tốt dạy – học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.
Về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, Sở GD&ĐT thành phố kiến nghị các địa phương rà soát tình hình cơ sở vật chất, kể cả ngoài công lập theo Bộ Tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học. Xây dựng kế hoạch, tiến độ bàn giao các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, thực trạng và kế hoạch sửa chữa, trong đó ưu tiên các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học được bàn giao, sửa chữa trước. Đảm bảo kinh phí hoạt động của các trường công lập do những phát sinh từ công tác phòng, chống dịch, tổ chức giãn lớp, hợp đồng giáo viên...
Đồng thời, rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục, có phương án bổ sung, hợp đồng tạm nhằm đảm bảo đủ để hoạt động trở lại, nhất là đối với cơ sở giáo dục mầm non. Đảm bảo việc chích vaccine cho đội ngũ giáo viên, chỉ những giáo viên được chích vaccine trước 2 tuần mới được vào trường và tạo điều kiện để giáo viên di chuyển từ nhà đến trường làm việc, nhất là với những giáo viên ngoài địa phương. Những giáo viên chưa đủ điều kiện an toàn có thể được bố trí hỗ trợ hoạt động dạy và học trên môi trường internet.
Đối với giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non riêng cho địa phương và thực hiện mở cửa đồng loạt trên địa bàn. Trong đó, trường học ưu tiên chỗ học cho trẻ mẫu giáo và chỉ nhận giữ trẻ trong địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập hoạt động đúng quy định, đảm bảo an toàn.
Đối với giáo dục phổ thông và thường xuyên, các địa phương sẽ tận dụng tối đa khoảng “thời gian vàng”, ưu tiên cho các lớp nhỏ 1, 2, đầu cấp và cuối cấp. Cụ thể, từng trường sẽ xây dựng phương án đi học lại cụ thể căn cứ tiến độ sửa chữa cơ sở vật chất, nhân sự… Trong khi đó, các trường tiếp tục duy trì tốt việc dạy-học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng nhu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp (ngoài địa phương) cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.
Thời gian đầu, trường học chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học 1 buổi, ưu tiên lớp 1, 2, 9, 12 đi học trước, sau đó đến các lớp đầu cấp và cuối cấp gồm lớp 5, 6, 10… Sau mỗi tuần, nhà trường đánh giá độ an toàn và các điều kiện để trình cơ quan quản lý (Phòng GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT) điều chỉnh phương án theo hướng mở dần.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng ưu tiên khối ngoài công lập do không vướng việc tham gia phòng, chống dịch. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập đảm bảo được các điều kiện an toàn có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh ngoài địa phương theo phương án “3 tại chỗ” để tổ chức dạy và học trực tiếp. Các cơ sở giáo dục ngoại ngữ-tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài nhà trường,.. mở cửa sau, khi các địa bàn lân cận cũng đã an toàn.
PV
Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng quan tâm hơn nữa đến y bác sĩ