/ Đời sống - Xã hội
/ TP. HCM: Đề xuất nghiên cứu xây trường năng khiếu văn hóa

TP. HCM: Đề xuất nghiên cứu xây trường năng khiếu văn hóa

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Các học sinh ở THPT có năng khiếu nghệ thuật vẫn học văn hóa bình thường nhưng chương trình học được điều chỉnh để dành 1/3 thời gian đào tạo văn hóa, nghệ thuật.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Internet

Chiều ngày 27/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và Đài Truyền hình TP tổ chức buổi đối thoại văn hóa lần thứ nhất với chủ đề: “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TP. HCM – Thành phố văn hóa”.

Tại buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, đề nghị TP. nghiên cứu xây dựng trường phổ thông năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật. Bởi theo ông Nhân, phải phát hiện đào tạo từ khi các em còn nhỏ để có điều kiện nuôi dưỡng tài năng.

"Đào tạo văn hóa hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống liên quan mật thiết đến năng khiếu của mỗi người. Do vậy, muốn phát hiện tài năng phải đào tạo từ sớm, khi các em còn nhỏ để có điều kiện nuôi dưỡng tài năng", Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo đó các em ở trường này sẽ vẫn học văn hóa bình thường nhưng chương trình học được điều chỉnh để dành 1/3 thời gian đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, trường phổ thông năng khiếu văn hóa, nghệ thuật sẽ nhận kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách.
Các nghệ sĩ đang biểu diễn có thể trở thành giáo viên thỉnh giảng của trường. Những em có tài năng sẽ được tuyển lựa vào các đơn vị biểu diễn, hoạt động văn hóa.

"Các nước họ đều làm thế. Ở Nga, để phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống múa balê họ khuyến khích và có trường năng khiếu riêng để các em vào học từ lúc 5-6 tuổi", ông Nhân nhận định và cho rằng nếu coi phát huy văn hóa là nền tảng thì phải dành định mức đầu tư ngân sách cố định, bởi đầu tư văn hóa là đầu tư lâu dài, mang hiệu quả cao, tránh suy thoái văn hóa dân tộc.

Vì vậy, ông Nhân đề nghị HĐND thành phố tìm giải pháp để có cơ cấu ngân sách "cứng" cho ngành văn hóa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động biểu diễn. Đồng thời, TP. HCM cũng nên có các cuộc thi về các bộ môn nghệ thuật truyền thống để nghệ sĩ được bộc lộ khả năng và được ghi nhận.

Bí thư Thành ủy TP. HCM cũng cho rằng, việc đầu tư cho văn hóa là hướng đầu tư có lợi ích lâu dài đem lại hiệu quả cao. Duy trì văn hóa, phát huy văn hóa là vì tương lai của đất nước và dân tộc.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu cho rằng phải lấy con người và văn hóa làm trung tâm để phát triển. Bởi nếu văn hóa không theo kịp phát triển kinh tế sẽ tạo ra nhiều hệ lụy trong xã hội, nhất là chú trọng đến giáo dục, phát huy các giá trị tốt đẹp của con người ở mọi lứa tuổi.

Các đại biểu cũng cho rằng giới trẻ hiện nay cần phải rèn luyện lối sống lành mạnh, vì cộng đồng, ứng xử văn minh trong môi trường đô thị hiện đại. Giới trẻ cũng cần đặt cho mình mục tiêu nâng cao trí tuệ, hoàn thiện giá trị, nhân cách, bản lĩnh văn hóa con người TP. trước tác động của các nền văn hóa khác trong xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu.

Cụ thể hơn, các đại biểu đề nghị có giải pháp căn cơ giúp khắc phục những bất cập, hạn chế trong phát triển văn minh đô thị nhằm hướng đến một xã hội công nghiệp, hiện đại nhưng vẫn giữ vững được bản sắc riêng, trong đó nhân tố xây dựng con người là quan trọng hàng đầu.

Cũng tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Thanh Nhân cho biết, việc phối hợp với các sở ngành để tạo cơ sở vật chất thuận lợi cho các hoạt động văn hóa đang được đẩy mạnh. Một số dự án trọng điểm của thành phố đã và đang thực hiện như: rạp xiếc đa năng, nhà hát giao hưởng, bảo tàng thành phố, hay mới đây nhất là đề án xây dựng trung tâm nghệ thuật biểu diễn.

PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. HCM, cũng cho rằng tính cách con người Sài Gòn, mở rộng ra là tính cách của người Nam Bộ và cả dân tộc Việt Nam là nhân văn, nghĩa tình. Tính cách này đã giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thiên tai, dịch bệnh… Do đó, trong thời gian tới cần phát huy tính cách này.

Đây là lần đầu tiên TP. HCM tổ chức đối thoại về văn hóa. Đối thoại văn hóa là diễn đàn trao đổi, bàn luận những vấn đề cốt lõi về thực trạng của các mặt đời sống đang tác động đến môi trường văn hóa, đến đời sống của người dân thành phố.

LÂM HOÀNG (t/h)

/thu-tuong-goi-mo-tam-nhin-moi-cho-vung-dat-rong-bay.html