(LSO) - Ngày 05/8, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đơn vị đã kiểm tra căn nhà tại địa chỉ 951/22 đường Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân và phát hiện 2.370 thùng găng tay y tế giả. Hiện Cơ quan Công an đang tạm giữ số tang vật để xử lý theo quy định.
Công an TP. HCM đang mở rộng điều tra làm rõ vụ sản xuất găng tay y tế giả quy mô lớn tại thành phố. Theo đó, nắm được thông tin về đường dây sản xuất găng tay y tế giả với số lượng lớn để bán cho các đối tượng xuất khẩu ra nước ngoài, do Thạch Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại thiết bị TTH cầm đầu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. HCM đã lập kế hoạch phá vụ án này.
Cụ thể, tối 03/8, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với lực lượng an ninh Bộ Công an và Công an quận Bình Tân kiểm tra hành chính nhà số 951/22 đường Hương Lộ 2, quận Bình Tân.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có 32 công nhân đang sàng lọc, đóng găng tay từ những bao tải lớn thành từng hộp, thùng mang nhãn hiệu của một công ty khác. Trong kho có 2.370 thùng găng tay đã đóng gói hoàn thiện, tương đương 2,3 triệu chiếc găng tay giả, ước tính trị giá trên 3 tỉ đồng.
Mở rộng khám xét, Phòng Cảnh sát kinh tế thu giữ thêm nhiều tài liệu, phương tiện, máy móc liên quan đến đường dây sản xuất găng tay giả nói trên.
Theo cơ quan điều tra, Thạch Thị Hoa là người tổ chức, chỉ đạo các đối tượng Nguyễn Đức Chương, Lê Ngọc Ngân, Nguyễn Thị Lynh Trang sản xuất hàng giả là găng tay y tế với số lượng lớn.
Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong thời gian tới, Công an TP. HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ các mặt hàng liên quan đến dịch bệnh để trục lợi.
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; g) Làm chết người; h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; l) Buôn bán qua biên giới; m) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết 02 người trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |
LSO (t/h)