TP. Hồ Chí Minh thí điểm học sinh đi học trở lại từ 13/12.
Ngày 01/12, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục sau thời gian học sinh ngừng đến trường vì dịch Covid-19.
Theo đó, giai đoạn từ ngày 13/12 đến ngày 25/12, thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp (2 tuần) đối với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12. Từ tuần thứ 2, sẽ bắt đầu đón trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường.
Đối với huyện Cần Giờ, Trường Mầm non Thạnh An, Trường Tiểu học Thạnh An, Trường THCS - THPT Thạnh An học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13/12.
Giai đoạn từ ngày 27/12, UBND thành phố yêu cầu tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục (giai đoạn từ ngày 13/12 đến ngày 25/12).
Căn cứ kết quả tổ chức dạy và học sau 2 tuần và tình hình dịch Covid-19, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 03/01/2022.
Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các trường tổ chức họp phụ huynh, triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường trước ngày 05/12.
Ngày 08/12 sẽ tổ chức tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới; Tổ chức sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp ngày 10/12.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, quan điểm tổ chức là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 3900/QÐ-UBND; đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 của từng địa phương.
Tổ chức dạy học trực tiếp học sinh ở một số khối lớp để cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Sau đó, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi tổ chức dạy học trục tiếp đại trà. UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, ưu tiên đối với các cơ sở giáo dục đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực và có kể hoạch cho học sinh đi học trực tiếp hoàn chỉnh.
Nguyên tắc tổ chức UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện ban hành kế hoạch và quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển trạng thái hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Cơ sở giáo dục có cấp học THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của TP. Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng. Ưu tiên tổ chức dąy học trực tiếp trước ở những cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ hai hàng tuần do UBND TP. Hồ Chí Minh công bố theo quy định.
Cơ sở giáo dục phải được đánh giá công tác an toàn trường học theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục trước khi tổ chức dạy học trực tiếp và được kiểm tra thường xuyên trong quá trình dạy học trực tiếp.
Cá nhân tham gia dạy và học trực tiếp là các cá nhân không thuộc diện phải cách ly y tế để phòng chống dịch. Đối với học sinh, giáo viên đến từ vùng đỏ thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của y tế.
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu việc tổ chức dạy học trực tiếp cần đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 khi tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Tận dụng tối đa khoảng thời gian học trực tiếp ở những địa phương, những cơ sở giáo dục đủ điều kiện về an toàn phòng, chống Covid-19 nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và giúp ổn định xã hội. Hỗ trợ cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động GD&ĐT.
TRẦN QUÝ
Hà Nội chỉ dừng tiêm hai lô vaccine gia hạn sử dụng để xin ý kiến