Các kiến nghị của Hiệp hội và Doanh nghiệp nước ngoài để tháo gỡ khó khăn
Tại hội nghị, 06 Hiệp hội đã trao đổi về những khó khăn, đồng thời đề xuất một số kiến nghị và giải pháp với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh.
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vaccine, doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19 cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất, hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện di chuyển và cắt giảm thời gian cách ly xuống còn 07 ngày cho những chuyên gia đã tiêm đủ liều vaccine.
Hiệp hội Thương mại Châu Âu đề nghị sửa đổi mô hình 03 tại chỗ, thủ tục hải quan cần đơn giản hóa để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế, cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo Công văn 4482 của Bộ Công thương trên, hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.
Hiệp hội các doanh nghiệp Đức đề nghị áp dụng hình thức 03 tại chỗ tối đa 04 tuần, yêu cầu nhân viên tự cách ly tại nhà 07 ngày (khi từ nhà máy về nhà); không phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất tiếp tục hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp doanh nhân làm việc cũng như hoạt động sản xuất, đề nghị tạm ngừng hoạt động với thời gian ngắn đối với doanh nghiệp có F0.
Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc đề nghị xác định rõ ràng trong vận tải giữa các sản phẩm nguyên liệu, xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.
Hiệp hội doanh nghiệp Singapore đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệp Covid-19 và thời gian xét nghiệm giữa TP. Hồ Chí Minh và tất cả các tỉnh, thành, và công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác.
Theo bà Hồ Thị Tú Uyên - Đại diện Công ty TNHH Intel Products Việt Nam chia sẻ, do ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo phương án “một cung đường hai điểm đến”, với gần 1.870 lao động trực tiếp và 1.500 gián tiếp. Tính từ ngày 15/7 đến 15/8, chi phí phát sinh của Intel Việt Nam là khoảng 140 tỉ đồng, nếu kéo dài tới 15.9 có thể nhiều hơn gấp đôi con số trên.
Cũng theo bà Uyên, hiện nhà máy Intel tại Việt Nam chiếm vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này. Đại diện Công ty Intel Việt Nam kiến nghị, thành phố sớm triển khai tiêm vaccine mũi 02 cho lực lượng lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Công ty Jabil Việt Nam cũng tương tự, một trong những khó khăn lớn nhất cũng chính là chi phí phát sinh trong việc thực hiện sản xuất theo phương án “một cung đường hai điểm đến”. Mức chi phí này trung bình khoảng 04 tỉ đồng mỗi ngày.Thế nhưng, công suất hoạt động dưới 30% khiến cho doanh thu của công ty mất khoảng 60 triệu USD mỗi tháng. Doanh nghiệp hiện không thể giao hàng đúng hạn hợp đồng từ đó số lượng đơn hàng đã mất khoảng 200 triệu đô la.
Theo Công ty Jabil Việt Nam, quy định về việc tiêm vaccine cần linh hoạt. Thời gian qua có tình huống là Khu Công gnhệ cao có vaccine nhưng lại thiếu đội ngũ y tế để tiêm kịp thời. Đại diện doanh nghiệp kiến nghị có cơ chế cho doanh nghiệp trả tiền dịch vụ tiêm vaccine, hoặc doanh nghiệp có thể nhận được vaccine hỗ trợ từ công ty mẹ.
Bên cạnh đó, các thủ tục hải quan về thông quan hàng hóa, sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang N95 cũng được doanh nghiệp này nêu ra, rằng yêu cầu “chống dịch như chống giặc” nhưng thời gian thủ tục để lấy được hàng quá lâu, mất đến 02 tuần.
Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong tại Hội Nghị
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cảm ơn các Hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian qua đã cùng hợp tác, đồng hành cùng thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp đã và đang trải qua, việc hơn 21.000 doanh nghiệp trên địa bàn bị giải thể, ngưng hoạt động trong 07 tháng đầu năm 2021 đã phản ánh được tác động nặng nề của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, thành phố đã thành lập Tổ hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố đứng đầu, cùng một số ngành có liên quan. Tổ công tác này có nhiệm vụ đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh, tập hợp các kiến nghị vượt quá thẩm quyền quyết định của UBND thành phố để báo cáo với Chính phủ.
Tập hợp các ý kiến, kiến nghị từ Hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố hệ thống hóa thành 04 phương án. Thứ nhất, thực hiện phương thức 03 tại chỗ hoặc 03 tại chỗ theo ca, kíp (chỉ ứng dụng với doanh nghiệp có quy mô lao động vừa). Thứ 2, tiếp tục thực hiện phương án “01 cung đường 02 điểm đến” hoặc “01 cung đường, nhiều điểm đến”. Thứ 3, tổ chức hoạt động theo phương châm 04 xanh (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh). Thứ 4, kết hợp các phương án nêu trên. “Các doanh nghiệp cũng có thể sáng tạo nhiều phương thức với mục tiêu đảm bảo được an toàn sản xuất và phòng chống dịch”, ông cho biết.
Về công tác tiêm vaccine, Thành phố đã có chủ trương tiêm vaccine cho toàn bộ người lao động khu công nghiệp, khu chế xuất với 286.000 lao động và 3.000 chuyên gia. Riêng khu công nghệ cao là 47.000 lao động. Vừa qua, do một số điều kiện, Thành phố đã tiêm 85% số công nhân tại các doanh nghiệp, khu chế xuất. Thành phố đang có kế hoạch tiêm đợt 2 cho 85% lao động đã tiêm đợt 1 và 15% trường hợp chưa tiêm đợt 1.
Liên quan đến các vấn đề về thủ tục, hỗ trợ tài chính, giảm thuế, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, việc giảm thuế vượt quá thẩm quyền của UBND thành phố. Do đó, thành phố sẽ tổng hợp ý kiến doanh nghiệp và lại gửi đến Chính phủ.
Về công tác phân loại hàng hoá thiết yếu, thành phố sẽ tiếp thu, có thông báo nêu rõ các mặt hàng cụ thể. Về vận chuyển hàng hóa, thành phố không phân biệt hàng hoá thiết yếu hay không thiết yếu.
“TP. Hồ Chí Minh mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài kiên trì, hợp tác đầu tư, tin tưởng công tác phòng chống dịch của thành phố, tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong việc xây dựng và phát triển. Thành phố luôn chia sẻ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Chúng tôi luôn mong muốn có sự chung tay góp sức của doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong kết luận tại Hội nghị
KIM CHI - THANH NIÊN