Công văn nêu rõ, về hình thức tổ chức kiểm tra, nhà trường cần rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại trước khi tổ chức kiểm tra cuối kì.
Các trường có tổ chức dạy học tích hợp bố trí thời lượng dạy học trực tiếp cho các môn học tích hợp nhằm củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trước khi thực hiện kiểm tra cuối kì và đáp ứng chuẩn đầu ra theo yêu cầu kiểm tra đánh giá của chuẩn quốc tế.
Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình tích hợp theo Nghị định 86/NĐ-CP thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Đề án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thẩm định.
Ảnh minh họa.
Vào thời gian tổ chức kiểm tra cuối kì, đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và học sinh đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp. Nếu nhà trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì nhà trường tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Học sinh học hòa nhập thực hiện kiểm tra định kì theo kế hoạch dạy học cá nhân đã điều chỉnh; các học sinh thuộc diện F0, học sinh vì cách ly, giãn cách xã hội,... không thể tham gia kiểm tra cuối kì từ 10/01/2022 đến 22/01/2022, nhà trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp, trao đổi với cha mẹ học sinh, thông báo cho học sinh. Việc kiểm tra bổ sung hoàn thành trước ngày 28/02/2022.
Về biên soạn đề kiểm tra định kì, các tổ chuyên môn áp dụng hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo công văn số 3333/GDĐT-TrH ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Sở GD&ĐT về hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra định kì và tổ chức kiểm tra đánh giá định kì năm học 2020 - 2021.
Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình Học kì 1 và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu, những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.
Nội dung đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.
Hình thức, cấu trúc đề kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỷ lệ các mức độ câu hỏi,...) do Hiệu trưởng quyết định sau khi bàn bạc, thống nhất với Tổ chuyên môn, đảm bảo được đánh giá, phân loại học sinh theo quy định của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và theo quy chế kiểm tra đánh giá của nhà trường.
Thời gian làm bài kiểm tra: từ 45 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
Riêng đối với lớp 6, thời gian làm bài kiểm tra: đối với môn học có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch kiểm tra cuối kì Học kì I năm học 2021 - 2022, chú ý các giải pháp về phân công cán bộ, giáo viên thực hiện công tác kiểm tra cuối kì; bố trí số lượng học sinh trong phòng kiểm tra, sắp xếp lịch kiểm tra các khối lớp ở các buổi khác nhau; công tác tổ chức kiểm tra cuối kì Học kì I năm học 2021 - 2022 phải tuân thủ các quy định về an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
HÀ ANH