/ Pháp luật - Đời sống
/ TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông trong nội thành

TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông trong nội thành

13/11/2022 23:07 |

(LSVN) - Theo dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ trong nội thành, nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đánh mạnh vào ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

 

 

Ảnh minh họa.

Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an TP. Hồ Chí Minh, với tính chất đặc thù của TP. Hồ Chí Minh, cần có những quy định, chế tài mang tính chất đặc thù trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông.

Theo đó, những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông luôn ở mức cao, tỷ lệ phương tiện giao thông tăng hàng năm, tình trạng ùn ứ giao thông xảy ra vào các giờ cao điểm…

Trong khi ý thức của người tham gia giao thông thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chủ quan trong lưu thông (ý thức chưa cao, chưa tự giác, cũng như sự am hiểu về pháp luật giao thông còn kém), tình trạng người vi phạm vẫn tiếp diễn thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định (lưu thông ngược chiều, đường cấm, sai làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, dừng, đậu sai quy định...).

Do sự đa dạng về thành phần tham gia giao thông và nơi lưu trú không cố định, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền phổ biến luật giao thông, cần thiết phải nâng cao giải pháp về xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Theo dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ trong nội thành, nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đánh mạnh vào ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Trong đó, Chương II quy định cụ thể mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính như xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và quy định về vận tải đường bộ theo hành vi quy định tại Điều 5, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cao nhất là 6 triệu đồng đối với hành vi đi vào khu vực đường cấm. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ theo hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Phạt tiền lên đến 16 triệu đồng đối với hành vi buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe. Xử phạt tương tự đối với trường hợp điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh…

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ này còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Cụ thể, dự thảo vẫn chưa lấy ý kiến của đối tượng trực tiếp chịu tác động là người tham gia giao thông; chưa đánh giá tác động sau khi ban hành; chưa có báo cáo tổng kết việc thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian qua để có cái nhìn khách quan...

Để đảm bảo hiệu quả và tính khả thi của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng, chống các vi phạm giao thông đường bộ, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị tạm dừng thông qua dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn.

“Việc tạm dừng này để các sở, ban ngành nghiên cứu thêm và làm lại, xem xét, sửa đổi những bất cập về xử phạt vi phạm hành chính vi phạm giao thông trên thực tế hiện nay của thành phố”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Thành phố cần phải có thời gian để đánh giá tổng thể về quy trình và hồ sơ xây dựng, ban hành Nghị quyết; một số bất cập trong thực tiễn xử lý hành vi vi phạm giao thông có thể ảnh hưởng đế tính khả thi và hiệu quả thi hành chính sách. Đặc biệt, cần đánh giá những tác động, phản ứng từ người dân; cần cân nhắc việc đưa ra và áp dụng tại thời điểm này bởi nhiều người vẫn đang gặp khó từ sau đại dịch Covid-19 và những tác động của kinh tế thế giới.

PHƯƠNG HOA

Cảnh báo một số trang web, fanpage giả mạo cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Loan B T Thanh