/ Pháp luật - Đời sống
/ TP. Hồ Chí Minh: Vụ việc ‘chiếm giữ tài sản’ tại Master Building là tranh chấp dân sự?

TP. Hồ Chí Minh: Vụ việc ‘chiếm giữ tài sản’ tại Master Building là tranh chấp dân sự?

01/03/2023 08:43 |

(LSVN) - Vừa qua, Công an quận 3, TP. Hồ Chí Minh đã thông báo vụ “dỡ bỏ niêm phong chiếm giữ tài sản” tại toà nhà Master Building là tranh chấp dân sự. Điều này khiến doanh nghiệp bất bình khi cho rằng tài sản đang bị chiếm giữ bất hợp pháp mà không được xử lý. Do đó, họ đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để làm sáng tỏ vụ việc.

Tại sao doanh nghiệp lại bất bình…?

Liên quan đến vụ việc “dỡ bỏ niêm phong, chiếm giữ tài sản” xảy ra tại toà nhà Master Building do Công ty Hợp Nhất vận hành, ngày 23/02/2023 Công an quận 3 đã ban hành Thông báo số 594/TB-CAQ (ĐTTH) về việc tiếp nhận phân loại tố giác về tội phạm. Thông báo có nội dung vụ việc trên là tranh chấp liên quan đến thanh lý hợp đồng thuê văn phòng tại lầu 7 toà nhà Master Building số 41- 43 Trần Cao Vân giữa Công ty S và Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư địa ốc Hợp Nhất có nội dung là tranh chấp dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan cảnh sát điều tra.

Đơn của Công ty S gửi Công an quận 3 kiến nghị điều tra làm rõ hành vi chiếm giữ tài sản xảy ra tại toà nhà Master Building.

Không đồng tình với nội dung trong thông báo của Công an quận 3, ông Nguyễn Tấn Hùng Anh, đại diện Công ty S đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến cơ quan này để nghị tiếp tục điều tra làm rõ hành vi chiếm giữ tài sản của nhóm người “lạ mặt”.

Theo ông Hùng Anh, những người vận chuyển đồ đạc, tài sản không phải là người của Công ty Hợp Nhất. Công ty S cũng không có bất kỳ một khoản nợ nào phát sinh theo trách nhiệm, nghĩa vụ (nếu có) trong việc thực hiện hợp đồng. Còn tranh chấp giữa Công ty S và Công ty Hợp Nhất về thanh lý hợp đồng vẫn đang trong quá trình thương lượng giải quyết.

Ông Hùng Anh chia sẻ: “Không thể viện dẫn vào việc tranh chấp thanh lý hợp đồng để chiếm đoạt tài sản của chúng tôi như vậy. Bởi lẽ, theo hợp đồng,mọi tranh chấp xảy ra hai bên cùng thương lượng giải quyết. Trong vòng 30 ngày không giải quyết được thì các tranh chấp sẽ được giải quyết tại Toà án TP. Hồ Chí Minh. Nếu như chúng tôi không trả mặt bằng thì Hợp Nhất cứ kiện ra toà, mọi thiệt hại phát sinh (nếu có) chúng tôi sẵn sàng đền bù theo phán quyết của Toà án. Còn hành vi chiếm giữ tài sản của chúng tôi cần phải được xử lý nghiêm minh”.

Cũng theo ông Hùng Anh, một số người đã tham gia, thực hiện việc “bốc dỡ” tài sản của họ, lên xe tải Thành Hưng, rất có thể là người của Công ty bảo vệ F.S.B (đơn vị ký hợp đồng bảo vệ toà nhà).

Trả lời phóng viên về vấn đề này, lãnh đạo Công ty bảo vệ  F.S.B né tránh không xác nhận.

Chiếc xe tải chở đồ đạc của Công ty S đã được niêm phong, nhưng hiện tại không còn lưu giữ tại Công an phường Võ Thị Sáu.

Chiếm giữ tài sản có phải là dân sự…?

Trao đổi với phóng viên về nội dung thông báo của Công an quận 3, Luật sư Nguyễn Chín, nguyên Kiểm sát trung cấp Viện Kiểm sát TP. Nha Trang cho rằng: “Cơ quan điều tra cần nhận định, tách bạch các vấn đề một cách cụ thể. Thứ nhất việc giải quyết tranh chấp giữa Công ty S và Công ty Hợp Nhất trong việc thực hiện hợp đồng thuê văn phòng đều có quy định chi tiết tại mục 6. Điều XI luật áp dụng và giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Do vậy việc tranh chấp phải được giải quyết tại các cấp Toà án nếu như hai bên không thương lượng được. Phán quyết của cuối cùng của Toà án sẽ là căn cứ pháp lý để hai bên thực hiện.

Thứ hai, hành vi phá khoá cửa, chiếm giữ tài sản là hành vi đã được các đối tượng thực hiện, bằng chứng là tang vật đã được lập biên bản, niêm phong lưu giữ tại Công an phường Võ Thị Sáu. Vì vậy, cơ quan điều tra cần làm rõ, động cơ, mục đích và số tài sản còn lại (theo số lượng của Công ty S đã kê khai) đang ở đâu, do ai chiếm giữ,… để có căn cứ xử lý vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật”.

Phân tích về việc “dỡ bỏ niêm phong, chiếm giữ tài sản” xảy ra tại toà nhà Master Building, Luật sư Phùng Ngọc Long, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Việc tự ý chuyển dịch tài sản của (bên thuê) ra khỏi văn phòng để chiếm giữ (cho dù đã hết thời hạn thuê) nhưng chưa thống nhất được cách giải quyết, không những đã vi phạm thoả thuận trong hợp đồng về giải quyết tranh chấp mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản".

Còn theo các hồ sơ tài liệu, thì trước khi hết thời hạn thuê văn phòng, Công ty S và Công ty Hợp Nhất đã nhiều lần “văn bản qua lại” nhưng vẫn chưa thống nhất được cách giải quyết về thời hạn thuê. Theo lý giải của Công ty S tại văn bản số 2-02-2023/TB gửi đến Công ty Hợp Nhất và các cơ quan chức năng có nội dung: “Theo Biên bản làm việc được lập ngày 06/02/2023, một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Chủ tịch Công ty Hợp Nhất là ông Lê Văn Trung xác nhận về việc hai bên đã ký kết biên bản gia hạn hợp đồng như được trình bày tại Thông báo số 1-02.2023/TB. Chúng tôi đã gửi đến Quý Công ty về việc gia hạn hợp đồng thuê đến tháng 7/2023 theo thỏa thuận giữa ông Lê Văn Trung và Công ty S”. 

Thông báo ngày 08/02/2023 của Công ty S gửi Công ty Hợp Nhất và các cơ quan chức năng.

Còn Công ty Hợp Nhất thì viện dẫn lý do: Công ty S không bàn giao mặt bằng để ra thông báo “cưỡng chế”. “Trong trường hợp có sự bất hợp tác và ngăn cản từ phía khách hàng, Công ty chúng tôi sẽ cưỡng chế lấy lại mặt bằng dưới sự chứng kiến của Thừa phát lại và Công an khu vực”.

Vậy, liệu toà nhà Master Building có đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, xử lý môi trường,… trong hoạt động kinh doanh cho thuê văn phòng hay không? Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ thông tin trong kỳ tiếp theo. 

Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Hành hung để tẩu thoát;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

5. hạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

TẢ THANH THIÊN

Bộ Tài chính đề xuất thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng

Bùi Thị Thanh Loan