Còn nhiều bất cập trong quản lý đất đai
Theo đơn khiếu nại của bà Lê Thị Mộng Tuyền và bà Lê Thị Kim Hải, năm 2020, UBND thị xã Hương Thủy làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ số CL 332651 cho bố mẹ đẻ của bà Tuyền là ông Lê Văn Phước và bà Nguyễn Thị Phương, diện tích 852,5m2. Theo hồ sơ địa chính, diện tích đất trên thực chất là tập hợp của 5 thửa đất khác nhau (441, 442, 443, 444, 447) trong đó có thửa đất số 443 của gia đình bà Tuyền và thửa 441 của bà Hải (em gái ruột bà Tuyền). Tuy nhiên, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Hương Thủy đã hợp hai thửa đất của bà Tuyền và bà Hải thành thửa số 441, cấp GCNQSDĐ cho ông Lê Văn Phước và bà Nguyễn Thị Phương trong khi bà Tuyền, bà Hải đều không được biết.

Khu vực nhà bà Tuyền và bà Hải sinh sống hàng chục năm nay có nguy cơ bị cưỡng chế. Cuộc sống của 2 gia đình này không biết bấu víu vào đâu, trong khi con trai, con dâu và các cháu bà Hải cũng ở chung trong ngôi nhà này.
Theo đơn khiếu nại, ông Lê Văn Phước và bà Nguyễn Thị Phương, trú tại xã tại xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, TP. Huế, có thửa đất số 102, tổng diện tích 3.384m2 do bố mẹ để lại. Trước năm 2003, vợ chồng ông Phước đã chia thửa đất cho 9 người con trong gia đình, do đó năm 2006 đo đạc lại bản đồ địa chính thì thửa đất của vợ chồng ông Phước được tách ra thành 11 thửa, trong đó thửa đất số 443 cuả bà Lê Thị Mộng Tuyền có diện tích 256,9m2; thửa đất số 441 của bà Lê Thị Kim Hải có diện tích 253m2. Sau khi xác định đất ở hợp pháp, bà Tuyền và bà Hải xây nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống từ đó đến nay.
Năm 2009, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án mở đường Thuỷ Dương - Thuận An, thửa đất của vợ chồng ông Phước bị thu hồi 2.200m2. Nhà nước cũng đã tiến hành bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 5 người con của ông Phước. Riêng đất bà Lê Thị Mộng Tuyền khi thu hồi diện tích còn lại 67m2, bà Lê Thị Kim Hải còn 85,3m2 (ở sát nhau) nên được tái định cư tại chỗ. Bà Tuyền và bà Hải đã mua thêm phần đất còn lại của bố mẹ đẻ không bị thu hồi để sử dụng, bà Tuyền mua 110m2, bà Hải mua 70,3m2. Việc mua bán được thể hiện bằng giấy viết tay có chữ ký của các bên liên quan. Sau khi mua thêm đất, gia đình bà Tuyền và bà Hải đã xây dựng dựng thêm công trình phụ, có cuộc sống ổn định, hợp pháp từ đó đến nay.
Giao dịch chuyển nhượng đất có hiệu lực nhưng không được công nhận?
Một trong những đáng chú ý của vụ việc là phần diện tích đất mà bà Hải và bà Tuyền đã mua của bố mẹ đẻ, việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng này được lập thành văn bản viết tay và đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán. Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch này vẫn có giá trị pháp lý ngay cả khi chưa công chứng, nếu một bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi lập phương án bồi thường, UBND thị xã Hương Thủy lại không công nhận quyền sử dụng đất của bà Tuyền, bà Hải mà chỉ bồi thường tài sản trên đất.

Bà Lê Thị Kim Hải đang trông trẻ cho người hàng xóm tại ngôi nhà của mình.
Riêng căn nhà của bà Tuyền được xây dựng kiên cố hai tầng, nhưng cơ quan chức năng chỉ bồi thường tầng một, trong khi tầng hai bị coi là xây dựng trái phép. Thực tế, dự án quy hoạch cây xanh – lý do mà cơ quan chức năng đưa ra để không bồi thường tầng hai đã không được triển khai.
Trong khi đơn khiếu nại lần hai của bà Tuyền và bà Hải đang được UBND TP. Huế thụ lý giải quyết thì ngày 02/4/2025, UBND thị xã Hương Thủy có thông báo gửi đến bà Lê Thị Mộng Tuyền và bà Lê Thị Kim Hải, nội dung trong thời gian từ ngày 10 đến 11 tháng 4 năm 2025 sẽ cưỡng chế thu hồi đất.

Nhà mẹ con bà Hải ở cũng là nơi sửa xe máy và giữ trẻ cho bà con làng xóm của mẹ con bà Hải để lấy tiền duy trì cuộc sống hàng ngày.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Trưởng Văn phòng Luật sư Tuổi Trẻ Nghệ An cho biết, theo quy định thì không có thửa đất nào được gọi là thửa 441+ 442 + 443 +444 + 447. Việc tiến hành trích đo địa chính gộp nhiều thửa đất với nhau để cộng diện tích thành một thửa lớn và quy về thửa 441 cấp cho gia đình ông Phước bà Phương là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về số thửa đất và trích địa chính thửa đất. Về nguyên tắc, mặc dù thửa đất đã được cấp bìa đất cho vợ chồng ông Phước, bà Phương nhưng khi có sự khác nhau giữa người đứng tên trên bìa đất và người sử dụng thực tế thì Hội đồng bồi thường cần phải làm rõ nguyên nhân phát sinh và quan hệ dân sự của vụ việc để có phương án xử lý tiếp theo. Thế nhưng trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền chỉ căn cứ trên giấy tờ được cấp trái quy định của pháp luật để lập phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đối với thửa đất của bà Hải và bà Tuyền.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng vụ việc này có dấu hiệu sai sót trong quá trình cấp GCNQSDĐ cũng như lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Bà Tuyền và bà Hải có đủ căn cứ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Lê Văn Phước và bà Nguyễn Thị Phương (nếu cấp trái quy định của pháp luật); công nhận quyền sử dụng đất của bà Tuyền, bà Hải theo đúng hiện trạng sử dụng; bồi thường đầy đủ tài sản trên đất, bao gồm cả tầng một và tầng hai của căn nhà bà Tuyền; hỗ trợ tái định cư theo quy định, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.