Ông Trần Văn Trung trao đổi với PV về thực trạng quyền và lợi ích của gia đình bị xâm phạm sau khi bị UBND TP. Tuyên Quang thu hồi đất thực hiện dự án.
Chấp nhận kháng cáo và tuyên hủy
Theo Bản án số 101/2020/HC-PT ngày 25/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định sửa Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2019/HC-ST ngày 18/7/2019 của của TAND tỉnh Tuyên Quang, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trung là hủy Quyết định số 1039/QĐ- UBND ngày 23/4/2018 của Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Việt Trung và hủy một phần Quyết định 450/QĐ-UBND của UBND TP. Tuyên Quang về việc phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB xây dựng công trình Dự án đầu tư xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô liên quan đến thu hồi đất và sử dụng đất của hộ ông Trung. Buộc UBND TP. Tuyên Quang và Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Diễn biến vụ án, tại đơn khởi kiện đề ngày 04/6/2018, đơn khởi kiện bổ sung 02/7/2018 và trong quá trình tố tụng ông Trần Việt Trung trình bày: Ngày 15/11/2017, UBND TP. Tuyên Quang ban hành Quyết định số 450/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi GPMB để xây dựng công trình Dự án đầu tư xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô. Nhà nước yêu cầu thu hồi 2.151,4 m2 đất đối với diện tích đất ông thuê tại phường Nông Tiến và thu hồi 2.754,5 m2 đất do gia đình khai phá. Căn cứ theo Quyết định số 450/QĐ- UBND thì gia đình ông chỉ được bồi thường vật kiến trúc và hoa màu mà không được bồi thường đất, tổng giá trị bồi thường là hơn 286 triệu đồng.
Nhận thấy Quyết định số 450/QĐ-UBND của UBND TP. Tuyên Quang xâm phạm tới quyền và lợi ích của gia đình nên ông Trung làm đơn khiếu nại gửi UBND TP. Tuyên Quang giải quyết.
Ngày 23/4/2018, Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang ban hành Quyết định số 1039/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại lần đầu có nội dung: “giữ nguyên Quyết định số 450/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi, GPMB xây dựng công trình Dự án đầu tư xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô…”. Ông Trần Văn Trung đã không nhất trí với Quyết định số 1039/QĐ-UBND nên đã làm đơn khởi kiện vụ án hành chính ra TAND tỉnh Tuyên Quang.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2019/HCST ngày 18/7/2019, TAND tỉnh Tuyên Quang, quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Trung về “tuyên hủy Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 23/04/2018 về việc giải quyết khiếu nại lần đầu đối với Quyết định số 450/QĐ-UBND của UBND TP. Tuyên Quang; yêu cầu bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với diện tích đất 1.500 m2 mà ông Trung đã thuê của UBND phường Nông Tiến; bồi thường về đất đối với diện tích 3.406,1 m2 do gia đình ông khai phá từ năm 1987.
Ngày 01/8/2019, ông Trung làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm gửi AND Cấp cao tại Hà Nội. Ngày 25/5/2020, tại trụ sở TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính.
Nhận định của Tòa Cấp cao đối với các yêu cầu của ông Trung khởi kiện UBND TP. Tuyên Quang như sau:
Thứ nhất, yêu cầu xem xét đối với diện tích đất 2.754,5 m2 tại Quyết định số 1039/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang nêu tiến hành lấy ý kiến của những người sử dụng đất cùng thời kỳ và biết rõ về việc sử dụng đất của gia đình ông Trung đối diện tích đất thu hồi và kết quả: diện tích đất của ông Trần Văn Trung sử dụng là do ông Trần Văn Quỳnh (bố đẻ) cải tạo từ năm 1988 và đến năm 1992 gia đình sử dụng ổn định với mục đích trồng cây hàng năm. Đến năm 2014 thì chuyển sang trồng cây lâu năm”.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 và tại phiên tòa phúc thẩm UBND TP. Tuyên Quang xác định diện tích đất này là đất bãi bồi ven song do UBND phường Nông Tiến quản lý chưa được giao hay cho thuê. Hộ ông Trần Văn Trung đã tận dụng để trồng cây cối hoa màu trên đất từ năm 1988 đến nay, do là đất sông (lòng sông) nên UBND thành phố không ra quyết định thu hồi đất và không được bồi thường về đất.
Về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, đăng ký kê khai việc sử dụng đất đối với diện tích đất mà gia đình sử dụng được khai phá từ trước năm 1993, diện tích khoảng 20.000m2, do ông Trần Văn Quỳnh bố của ông Trần Việt Trung khai phá, sử dụng ổn định từ năm 1993 đến nay là có thật, được các bên thừa nhận.
Tại Bản đồ xã Nông Tiến tỷ lệ 1/1000 bản kan số 2 mảnh số 2 được Ban Quản lý ruộng đất tỉnh Tuyên Quang xác nhận (đo đạc trước năm 1995) thửa 168A diện tích 3084 m2 và thửa 179 diện tích 8568 m2 đứng tên ông Trần Văn Quỳnh
Tại Bản đồ địa chính số 46, đã được Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) duyệt tháng 12/1997 thì thể hiện thửa 53, diện tích 11.370 m2 và thửa 54, diện tích 2700m2 (không ghi tên người sử dụng) nhưng tại sổ mục kê thể hiện người sử dụng là ông Trần Văn Quỳnh. Toàn bộ Tờ bản đồ địa chính số 46 nêu trên thì các thửa đất liền kề khác cũng không ghi tên người sử dụng đất, nhưng tại sổ mục kê đều thể hiện tên người sử dụng đất.
Việc UBND TP. Tuyên Quang xác định do không đứng tên người sử dụng đất theo Bản đồ địa chính số 46, nên xác định đất của gia đình ông Trung cải tạo từ năm 1988 đến năm 1992 sử dụng ổn định thuộc phường Nông Tiến quản lý là không phù hợp.
Thứ hai, đối với diện tích 2.151,6 m2, bị thu hồi và UBND TP. Tuyên Quang xác định là đất thầu của UBND phường Nông Tiến. Tuy nhiên theo ông Trung cho rằng khi UBND TP. Tuyên Quang thu hồi chỉ có khoảng 1.500 m2 đất thầu, còn lại 651,6 m2 là đất do gia đình ông khai phá và thực tế hiện giờ gia đình ông đang quản lý sử dụng.
Ngoài ra, tại hợp đồng thầu đất (không số) công ích để sản xuất nông nghiệp giữa UBND phường Nông Tiến với gia đình ông Trung, diện tích 15.013 m2, có thời hạn từ năm 2014-2019. khi thu hồi đất UBND TP. Tuyên Quang chưa xem xét bồi thường hỗ trợ công sức cải tạo đất, công trình kiến trúc trên đất phục vụ canh tác, cần được xem xét để đảm bảo quyền lợi cho ông Trần Văn Trung.
Trên cơ sở căn cứ các tài liệu, chứng cứ, diễn biến trong quá trình xét xử Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy cần xem xét chấp nhận kháng cáo của ông Trung, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trung là hủy Quyết định số 1039/QĐ- UBND ngày 23/4/2018 của Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Việt Trung và hủy một phần Quyết định 450/QĐ-UBND của UBND TP. Tuyên Quang về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB xây dựng công trình Dự án đầu tư xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô liên quan đến thu hồi đất và sử dụng đất của hộ ông Trung; sửa án hành chính sơ thẩm.
Công lý bao giờ được thực thi?
Sau khi Bản án số 101/2020/HC-PT ngày 25/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực, ngày 25/8/2021, UBND TP. Tuyên Quang ra Quyết định số 245/QĐ-UBND về việc hủy một phần nội dung Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 của UBND TP. Tuyên Quang và Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 của UBND thành phố về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB xây dựng công trình Dự án đầu tư xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô. Đồng thời, quyết định hủy nội dung thu hồi 2.151,6 m2; hủy nội dung phê duyệt phương án hỗ trợ đất công ích…; lý do thực hiện theo Bản án số 101/2020/HC-PT ngày 25/5/2020.
Ngày 27/8/2021 UBND TP. Tuyên Quang ra Quyết định số 2353/QĐ-CT về việc hủy Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 của Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Trung.
Ngày 31/8/2021, TAND tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định số 01/2020/QĐ-THA, buộc thi hành án đối với UBND TP. Tuyên Quang xét theo đơn yêu cầu ra quyết định buộc thi hành Bản án số 101/2020/HC-PT ngày 25/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội của ông Trần Trung.
Ngày 07/9/2020, UBND TP. Tuyên Quang ra thông báo số 188/TB-UBND về việc tự nguyện thi hành án và kết quả đã thực hiện Quyết định số 2353/QĐ-CT về việc hủy Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 23/4/2018; Quyết định số 245/QĐ-UBND về việc hủy một phần nội dung Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 của UBND TP. Tuyên Quang và Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 15/11/2017.
Tiếp đó, ngày 30/11/2021 UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra thông báo số 168/TB-UBND kết luận giải quyết đơn thư của công dân. Nội dung văn bản yêu cầu UBND TP. Tuyên Quang căn cứ Bản án số 101/2020/HC-PT ngày 25/5/2020 của TAND Cấp cao và hồ sơ, tài liệu có liên quan tổ chức làm việc trực tiếp với ông Trần Việt Trung, yêu cầu ông Trung cung cấp tài liệu, chứng cứ làm cơ sở xem xét giải quyết vụ việc; củng cố hồ sơ giải quyết dứt điểm vụ việc và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 31/12/2021.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại qua 5 năm UBND TP. Tuyên Quang thực hiện việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB xây dựng công trình Dự án đầu tư xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô liên quan đến thu hồi đất và sử dụng đất đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Trung vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, sau khi Bản án số 101/2020/HC-PT ngày 25/05/2020 của Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực UBND TP Tuyên Quang chỉ thực hiện một phần bản án, chưa giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB xây dựng công trình Dự án đầu tư xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô liên quan đến thu hồi đất của hộ ông Trung thỏa đáng.
Căn cứ vào Bản án số 101/2020/HC-PT ngày 25/05/2020 của Tòa án cấp cao tại Hà Nội, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Trần Văn Trung sau khi UBND TP Tuyên Quang thu hồi đất thực hiện dự án theo đúng quy định luật pháp.
Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: Một là, Sau khi bản án có hiệu lực, trên cơ sở căn cứ các quy định luật Pháp, để đảm bảo tính tôn nghiêm Pháp luật UBND TP Tuyên Quang và Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang cần thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ để đảm bảo quyền và lợi ích ích người dân khi thu hồi đất.
“Điều 309 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 (Luật TTHC) quy định về những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành, trong đó có bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, và bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm. Trong vụ án này, Bản án hành chính phúc thẩm số 101/2020/HC-PT ngày 25/5/2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội đã sửa một phần Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2019/HC-ST ngày 18/7/2019 của TAND tỉnh Tuyên Quang. Theo quy định trên, Bản án hành chính phúc thẩm và một phần Bản án hành chính sơ thẩm không bị sửa sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành.
Việc thi hành bản án của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 311 Luật TTHC và Điều 16 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định 71). Theo đó, người phải thi hành án - Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang và UBND TP. Tuyên Quang phải thực hiện hai công việc sau: một là ban hành văn bản hủy toàn bộ hoặc quyết định hành chính trái pháp luật; hai là khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án - gia đình ông Trần Việt Trung. Chỉ khi người phải thi hành án thực hiện đầy đủ hai công việc trên thì các bản án của Tòa án các cấp mới được thi hành một cách đầy đủ trên thực tế. Tuy nhiên, người phải thi hành án trong vụ án này mới chỉ thực hiện được công việc thứ nhất, mà chưa thực hiện việc xây dựng lại phương án bồi thường và chi trả thêm tiền bồi thường cho gia đình ông Trung.
Cho đến nay đã quá thời hạn tự nguyện thi hành án. Trong trường hợp này, ông Trung có thể làm đơn đề nghị TAND tỉnh Tuyên Quang ra quyết định buộc UBND TP. Tuyên Quang thi hành bản án theo quy định tại khoản 3 Điều 311 và Điều 312 Luật TTHC. Trong trường hợp UBND TP. Tuyên Quang vẫn cố ý không chấp hành bản án của Tòa án thì những cá nhân, cơ quan có liên quan có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.
Hai là, cần có biện Pháp xử lý vi phạm, xem xét trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Trung.
“Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đã quy định rất đầy đủ về trình tự, thủ tục thu hồi đất và lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Từng khâu, từng bước trong giai đoạn lập, phê duyệt phương án bồi thường được pháp luật quy định cụ thể về cơ quan phụ trách và nhiệm vụ, quyền hạn. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi khi tham gia tư vấn và giải quyết các vụ án khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai, đa số việc lập và phê duyệt phương án bồi thường các cơ quan nhà nước thường làm đúng bởi vì pháp luật đã quy định rất rõ về phương pháp xác định giá định bồi thường, mức bồi thường về tài sản...Chủ yếu những khiếu kiện xuất phát từ việc các cơ quan nhà nước đã xác định sai nguồn gốc đất, loại đất dẫn đến việc áp dụng giá bồi thường không đúng.
Vụ án này là một ví dụ minh hoạ, do UBND TP. Tuyên Quang xác định sai nguồn gốc đất như nhận định trong Bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội và từ đó không chấp nhận việc bồi thường về đất cho gia đình ông Trung. Cho nên trong vụ án này, tôi cho rằng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không nằm ở việc lập, phê duyệt phương án bồi thường mà nằm ở chỗ có thiếu sót trong công tác quản lý đất đai.”
Ba là, thực trạng thu hồi đất, đền bù GPMB luôn có những bất cập cần có những giải pháp để nâng cao niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước, đồng thời phòng chống gian lận đối với các cá nhân, tổ chức trong thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, Quốc hội đã có chương trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Một trong những bất cập lớn được các chuyên gia góp ý sửa đổi liên quan đến việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ để GPMB. Luật Đất đai năm 2013 đã liệt kê các căn cứ thu hồi đất, tuy nhiên các căn cứ này vẫn còn quy định một cách chung chung dẫn đến việc áp dụng một cách tùy nghi, đặc là trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Việc đánh giá các dự án phát triển kinh tế- xã hội và cân đối với lợi ích của nhà nước và của người sử dụng đất có đất bị thu hồi còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư dự án có sử dụng đất sau khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của người dân và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, đất thương mại dịch vụ và rồi phân lô, bán nền với giá cao gấp hàng chục lần đẫn đến sự bức xúc của người dân dẫn đến việc khiếu kiện. Bên cạnh đó, nhiều đại án cũng đã được đưa ra xét xử trong hai năm trở lại đây liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý đất đai. Điều đó cho thấy có tiêu cực trong công tác quản lý đất đai.
Để ngăn ngăn tình trạng trên, tôi cho rằng cần phải quy định giá đất bồi thường tiến sát hơn với giá thị trường để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, tốt hơn chỉ những trường hợp thực sự cần thiết do Quốc hội quyết định thì mới thu hồi đất để giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, các trường hợp khác nên thông qua cơ thể giao dịch dân sự “thuận mua vừa bán” do doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận với nhau về giá.”
VƯƠNG HƯỞNG
Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn và không có lãi