Thông tin đã gỡ. Ảnh: Chụp màn hình.
Bộ KH&CN gỡ tin 'WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á' trên trang web chính thức
Liên quan đến việc ngày 20/12, thông tin “WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á” trên trang web chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã được gỡ xuống. Trước đó, thông tin này được đăng tải trên website chính thức của Bộ vào ngày 26/4/2020. Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Bộ KH&CN cho biết do có sự sai sót về mặt thông tin nên gỡ bài. Thực chất, WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải “chấp thuận sử dụng”.
Dù kit test này không được WHO “chấp thuận sử dụng” nhưng vẫn được sử dụng tại Việt Nam khá phổ biến trong hai năm phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, đại diện Bộ cho rằng, việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.
Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN, thừa nhận: "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ Khoa học và Công nghệ", ông nói.
Trước đó, ngày 04/3/2020 theo đề nghị của Bộ KH&CN, Bộ Y tế đồng ý cho sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất được cấp số đăng ký để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bài viết: “Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận" trên cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN nêu: “Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".
Tuy nhiên, ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là Not Accepted - “Không được chấp nhận”.
Theo WHO, bộ kit Light Power iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR (mã số EUL: EUL 0524-210-00) không được chấp nhận nên không đạt điều kiện tham gia đấu thầu của WHO. WHO yêu cầu Công ty Việt Á phải cung cấp thông tin mới nhất về tình trạng của hệ thống quản lý chất lượng của họ.
Người đứng đầu Bộ KH&CN phải đứng ra chịu trách nhiệm
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đánh giá, vụ việc sai phạm nâng khống giá kit test Covid-19 đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đang tích cực điều tra, làm rõ vai trò của từng đối tượng và hậu quả gây ra với xã hội để xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể, đồng thời thu giữ các tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho nhà nước.
"Vụ án này đồng thời một lần nữa cho thấy có một số doanh nghiệp “sân sau” đã thao túng ngành nghề, lĩnh vực ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn, suy thoái đạo đức cán bộ, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Bởi vậy cơ quan chức năng cũng cần làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức, làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm", Luật sư Cường nói.
Liên quan đến việc Bộ KH&CN đã gỡ thông tin “WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á”, mặc dù Bộ KH&CN đã thừa nhận sai sót nhưng sự việc này tiếp tục khiến nhiều người dân cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các bộ ban ngành trong sự việc vi phạm đấu thầu nêu trên.
Vị Luật sư phân tích rõ, theo Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN thì Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý theo quy định của pháp luật.
Một trong những nhiệm vụ của Bộ KH&CN về hoạt động khoa học và công nghệ là hướng dẫn việc xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ; việc giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Khai thác, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ, công bố, tuyên truyền kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối với việc cung cấp thông tin sai sự thật về những vật tư, sản phẩm liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19 thì người đứng đầu và những cán bộ của Bộ KH&CN thực hiện công tác liên quan đến việc công bố thông tin phải đứng ra chịu trách nhiệm.
Đối với người vi phạm là cán bộ công chức, viên chức công tác tại Bộ KH&CN nếu có hành vi sai phạm có thể bị xử lý kỉ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP về về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Ảnh minh họa.
Với vụ việc này, Cơ quan điều tra cũng cần vào cuộc điều tra để xác định có sai phạm hay không; làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan; đánh giá tác động của hành vi sai phạm đó với các hợp đồng, giao dịch mua bán kit test; làm rõ nguyên nhân chủ quan hay khách quan; nếu có lỗi cố ý, hành vi tiếp tay, dấu hiệu tư lợi, vụ lợi thì phải xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trường hợp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên trang thông tin điện tử (Website) thì theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi đưa thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử có thể bịphạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Theo đó người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam thì có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Cường chia sẻ thêm vụ việc sai phạm về nâng khống giá kit test Covid-19 cũng như những sai sót của cơ quan chức năng về công bố thông tin sản phẩm trong lúc dịch bệnh phức tạp, đời sống nhân dân khó khăn là hành vi rất đáng lên án và cần phải điều tra, xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm. Sau khi khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra đối với các sở ban ngành, cán bộ, đơn vị có liên quan để làm rõ sự thật khách quan. Quá trình điều tra nếu có căn cứ cho thấy các đối tượng còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như đưa hối lộ, nhận hối lộ, rửa tiền, trốn thuế,….thì sẽ tiếp tục khởi tố thêm các tội danh khác và xử lý đối với những người vi phạm theo quy định pháp luật.
Đồng quan điểm với Luật sư Cường, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cũng cho rằng đây là sai sót không nhỏ và ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của Bộ KH&CN, đặc biệt là trong bối cảnh vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Do đó, những đơn vị, cá nhân thuộc Bộ KH&CN có liên quan đến việc công bố thông tin không chính xác này phải bị xem xét và xử lý trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu theo đúng quy định của pháp luật. Nội dung và nguyên nhân của vụ việc, cũng như trách nhiệm của các đơn vị hoặc cá nhân có liên quan như thế nào sẽ cần phải có sự vào cuộc, kiểm tra, xác minh của các cơ quan chức năng.
HỒNG HẠNH
Bộ KH&CN gỡ tin 'WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á' trên trang web chính thức