Ảnh minh họa.
Mục II Chương II Luật Thương mại 2005 quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
Bên bán có những quyền cơ bản là được thanh toán tiền mua hàng theo thỏa thuận, được bên mua thông báo về việc khiếu nại, khiếu kiện của bên thứ ba liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoặc sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng của hai bên… Đồng thời, bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hoá; nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá, nghĩa vụ giao hàng đúng đối tượng của hợp đồng và chứng từ liên quan; nghĩa vụ giao hàng đúng thời gian và địa điểm đã thỏa thuận; nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa…
Bên mua cũng có quyền được bên bán bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hoá; có quyền được bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá, có quyền được giao hàng đúng đối tượng của hợp đồng và chứng từ liên quan; có quyền được giao hàng đúng thời gian và địa điểm đã thỏa thuận; có quyền được chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa… Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng theo thỏa thuận; có nghĩa vụ thông báo về việc khiếu nại, khiếu kiện của bên thứ ba liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoặc sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng của hai bên.
Có thể thấy, trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
Tuy nhiên, trong thực tế vì những lý do khác nhau mà việc thực hiện hợp đồng không thể thực hiện được. Chính vì vậy mà Luật Thương mại 2005 quy định cụ thể các loại chế tài trong thương mại để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia hợp đồng.
Theo Điều 292, các loại chế tài trong thương mại gồm: Buộc thực hiện đúng hợp đồng; Phạt vi phạm; Buộc bồi thường thiệt hại; Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Đình chỉ thực hiện hợp đồng; Huỷ bỏ hợp đồng.
Ngoài ra, Điều 294 quy định thêm các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm. Miễn trách nhiệm hợp đồng là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thương mại không phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng theo thoả thuận hoặc theo luật quy định.
Miễn trách nhiệm theo thoả thuận: Các bên trong hợp đồng có quyền thoả thuận về giới hạn trách nhiệm và miễn trách nhiệm hợp đồng trong những trường hợp cụ thể do các bên dự liệu khi giao kết hợp đồng. Thường vi phạm đó là không lớn, bên vi phạm có thể khắc phục được ngay nên không phải chịu chế tài do vi phạm hợp đồng hoặc bên có quyền không yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm.
Miễn trách nhiệm do pháp luật quy định: Bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được miễn trách nhiệm khi: Xảy ra sự kiện bất khả kháng; Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm 1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. 2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm. |
Vậy, dịch Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng?
Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật Sao Sáng.
Theo Luật sư Đặng Hồng Dương - Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng, nếu đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm (BLDS) 2015 thì dịch Covid-19 đã có đủ 3 yếu tố để được xem xét là một sự kiện bất khả kháng: Xảy ra một cách khách quan; Các bên không thể lường trước được; và Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
"Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". |
Tuy nhiên, trong quan hệ hợp đồng, việc xác định yếu tố dịch bệnh có phải là sự kiện bất khả kháng hay không để xem xét miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các bên chưa bao giờ là dễ dàng và thường dẫn đến những tranh chấp. Đây là một vấn đề của tư pháp và quyền phán quyết cuối cùng thuộc về các thẩm phán.
Bộ Y tế ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, các bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới - WHO (World Health Organization) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu.
Như vậy, có thể khẳng định rằng Covid-19 là một dịch bệnh truyền nhiễm. Trong lĩnh vực hợp đồng, dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 không thể là sự kiện bất ngờ, vốn được quy định trong luật hình sự. Dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 cũng không thuộc trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bởi vì, đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản, hợp đồng vẫn có thể thực hiện được, nhưng xét về mặt chi phí, giá thành thực hiện cao hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu. Trong khi đó, trên thực tế, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, nhiều trường mầm non tư thục “đóng cửa”… Dưới khía cạnh pháp lý, ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, theo đó, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các cơ sở kinh doanh khác bị tạm đình chỉ hoạt động. Chính lệnh cấm các cá nhân, tổ chức kinh doanh không được hoạt động trong một thời hạn đã làm cho Covid-19 trở thành sự kiện bất khả kháng.
Nói cách khác, dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 đã hội đủ các điều kiện để trở thành một sự kiện bất khả kháng, bao gồm: Xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Quy định về hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 như sau:
“Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. |
Như đã phân tích ở trên về dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 đã hội đủ các điều kiện để trở thành một sự kiện bất khả kháng, trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng với bên bị vi phạm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác), nhưng doanh nghiệp sẽ không được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với bên còn lại, trừ trường hợp bên có quyền chủ động miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ đó.
BLDS 2015 còn quy định thêm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong sự kiện bất khả kháng tại khoản 2 Điều 584 BLDS 2015:
“Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. |
Trong quan hệ hợp đồng, việc chứng minh sự kiện bất khả kháng sẽ giúp bên vi phạm không phải bồi thường thiệt hại hoặc thực hiện nghĩa vụ. Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 nêu: “Bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: … b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng”.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng…”.
Muốn được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm phải:
- Thông báo ngay cho bên kia bằng văn bản theo khoản 1 Điều 295 Luật Thương mại 2005 về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra;
- Chứng minh đã xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Chứng minh sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
- Chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục.
LINH CHI