(LSO) - Bạn tôi là người nước ngoài, vừa qua đã đi xe mô tô không bằng lái gây tai nạn cho người đi bộ đang đi sang đường ở nơi đó không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Hiện tại người đi bộ kiểm tra thì bị tụ máu ở não khả năng là phải mổ. Vậy, bạn tôi sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào với người bị tai nạn trong trường hợp này? Bạn đọc N. G. hỏi.
Trong trường hợp này, để xác định được trách nhiệm mà người nước ngoài này (tạm gọi là A.) phải chịu thì cần phải xác định xem A. có phải là người có thân phận ngoại giao hay có phải là thân nhân của người có thân phận ngoại giao không?
"Những người có thân phận ngoại giao (có hộ chiếu ngoại giao) là những người làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam và các thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ tại Việt Nam, những người có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước đến thăm nước ta, những người khác có thân phận ngoại giao, kể cả đại diện các tổ chức quốc tế và thành viên gia đình họ sống chung tại Việt Nam và không có Quốc tịch Việt Nam" - Theo Thông tư liên tịch số 01/TTLN năm 1988 hướng dẫn điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra do Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao - Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
A là người nước ngoài, tham gia giao thông khi không có bằng lái xe là vi phạm quy định về an toàn giao thông, thêm vào đó, Thông tư 31/2019/TT-BGTVT có quy định về trường hợp phải giảm tốc độ trong trường hợp có người đi bộ qua đường. Việc A không giảm tốc độ là vi phạm quy định về điều khiển giao thông, tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm đối với A cần xem xét ở các góc độ:
Trường hợp 1: A là người có thân phận ngoại giao hoặc thân nhân của người có thân phận ngoại giao:
Điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/TTLN năm 1988 có quy định như sau:
“a. Những người có thân phận ngoại giao, (có hộ chiếu ngoại giao) làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam và các thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ tại Việt Nam, những người có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hôi, Nhà nước đến thăm nước ta, những người khác có thân phận ngoại giao, kể cả đại diện các tổ chức quốc tế và thành viên gia đình họ sống chung tại Việt Nam và không có Quốc tịch Việt Nam được Nhà nước ta cho hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. Những người này được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra. Tuy nhiên họ phải tôn trọng luật lệ của Nhà nước ta, kể cả luật lệ về giao thông đường bộ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.” |
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định:
“2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.” |
Như vậy, trong trường hợp này, nếu người đó là người có thân phận ngoại giao hoặc thân nhân của người có thân phận ngoại giao thì họ chỉ phải đền bù vật chất đối với người bị thiệt hại.
Do hành vi gây thiệt hại và nơi phát sinh hậu quả đều trên lãnh thổ Việt Nam nên sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường như sau:
“Điều 590. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm 1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định. 2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định." |
Như vậy, nếu A là người có thân phận ngoại giao hoặc thân nhân của người có thân phận ngoại giao thì chỉ phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định trên.
Trường hợp 2: A là nhân viên hành chính, nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện nước ngoài hoặc thành viên gia đình của những người này:
Điểm b khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/TTLN năm 1988 quy định:
“b. Nhân viên hành chính - kỹ thuật, nhân viên phục vụ của các cơ quan đại diện nước ngoài và các cơ quan nước ngoài khác đã nêu ở điểm a và thành viên gia đình họ không có quốc tịch Việt Nam, và cùng sống với họ tại Việt Nam, các thành viên không có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu. Những người này chỉ được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra tại Việt Nam trong khi thi hành công vụ, nhưng không được miễn trừ xét xử về dân sự và xử lý về hành chính khi không thi hành công vụ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.” |
Trong trường hợp này, nếu họ trong thời gian thi hành công vụ thì họ sẽ được miễn trừ ngoại giao như trường hợp trên và phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại như trường hợp 1.
Nếu họ không thi hành công vụ thì họ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm an toàn giao thông theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi không có giấy phép lái xe và không chú ý quan sát và phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như trường hợp 1.
Trường hợp 3: A là đối tượng khác không thường trú tại Việt Nam:
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư liên ngành 01/TTLN có quy định:
“c. Những người nước ngoài khác không thường trú tại Việt Nam: Nhà kinh doanh, chuyên gia, học sinh, sinh viên công tác, du lịch tại Việt Nam… Đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng do họ gây ra, áp dụng các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta và Nhà nước họ đã ký với nhau hoặc tham gia (hiệp định lãnh sự, hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật v.v…) hoặc áp dụng luật pháp của ta.” |
Trường hợp này cần xác định xem Việt Nam và nước mà người đó là công dân có tham gia hoặc ký kết điều ước quốc tế nào về vấn đề này không? Nếu có thì áp dụng theo điều ước quốc tế, nếu không có thì áp dụng pháp luật Việt Nam như trường hợp 4.
Trường hợp 4: A cư trú, làm ăn sinh sống tại Việt Nam:
Về trường hợp này A sẽ bị xử lý như công dân Việt Nam vi phạm. Nếu người bị thiệt hại có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 02 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. |
Như vậy, trong trường hợp này, cần phải có tỷ lệ thương tật cụ thể để xác định mức độ hình phạt đối với A.
Ngoài ra, A còn phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, mức bồi thường được xác định Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 như trường hợp 1.
Trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 61%, A sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như trường hợp 1 và phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chú ý quan sát và không có giấy phép lái xe theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
CHI AN