Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại: Thực trạng và kiến nghị

19/12/2020 03:40 | 3 năm trước

(LSVN) - Trách nhiệm hình sự lần đầu tiên được đặt ra đối với pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã giúp giải quyết các vướng mắc về pháp lý trong thực tế liên quan tới hành vi gây thiệt hại của chủ thể này. Mặc dù Bộ luật đã có hiệu lực nhưng thực tế áp dụng vẫn còn rất hạn chế bởi nhiều nguyên nhân và cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật hiện hạnh về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

- Về chủ thể:

Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã giới hạn về chủ thể và điều kiện chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, chủ thể chịu trách nhiệm không phải toàn bộ pháp nhân mà chỉ là pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác đáp ứng được điều kiện về pháp nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 và có mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận, lợi nhận được chia đều cho các thành viên.

Tuy nhiên, pháp nhân thương mại là một chủ thể đặc biệt nên khi khởi tố, chủ thể tham gia tố tụng sẽ là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại đó. Vì tham gia tố tụng với tư cách đại diện nên người đại diện sẽ không bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt giam giữ như xử lý hình sự đối với cá nhân nhưng trong trường hợp có giấy triệu tập của người có thảm quyền tiến hành tố tụng nhưng người đó vắng mặt và không có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải để đảm bảo quá trình tiến hành tố tụng được diễn ra cũng như bảo vệ lợi ích của các bên liên quan không bị ảnh hưởng bởi sự trì hoãn do vắng mặt của người đại diện của pháp nhân thương mại.

- Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự:

Về điều kiện chịu trách nhiệm, theo Điều 75 BLHS 2015, pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:

+ Nhân danh chính mình thực hiện hành vi phạm tội;

+ Thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân thương mại đó bao gồm lợi ích về tài chính, vật chất, kinh tế…. Trường hợp tội phạm được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của pháp nhân nhưng không nhằm mang lại một lợi ích cho pháp nhân thì pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự;

+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. yếu tố “Chỉ đạo, điều hành, chấp nhận” là căn cứ quan trọng khi xác định lỗi của pháp nhân thương mại.

+ Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS 2015.

- Về tội phạm:

BLHS 2015 đã phân chia hành vi phạm tội của pháp nhân theo hai nhóm chính: (1) Nhóm tội phạm trong lĩnh vực kinh tế; (2) Nhóm tội phạm trong lĩnh vực môi trường. Đây chính là hai lĩnh vực gắn bó trực tiếp với hoạt động của pháp nhân thương mại và hay xảy ra các hành vi phạm tội điển hình gắn với pháp nhân thương mại như tội vi phạm các quy định về cạnh tranh, tội sản xuất buôn bán hàng cấm, tội trốn thuế,….

Ngoài ra, còn có hai tội thuộc Chương XXI. Các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng bao gồm: Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324) được bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của BLHS năm 2015.

- Về hình phạt:

Khác với cá nhân, hình phạt đối với pháp nhân đánh vào tài chính và khả năng hoạt động của pháp nhân đó vì bản chất của pháp nhân thương mại là tìm kiếm lợi nhuận nên việc phạt tiền và đình chỉ hoạt động sẽ gây tổn thất đáng kể từ đó tạo tính răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Điều 33, BLHS năm 2015, hình phạt áp dụng cho pháp nhân bao gồm 02 loại là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, theo nguyên tắc “Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”.

Hình phạt chính bao gồm:

+ Hình phạt tiền (Điều 77 BLHS 2015): Hình phạt này được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng - cao hơn nhiều so với trách nhiệm hành chính.

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78 BLHS 2015): Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

+ Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79 BLHS 2015): Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Việc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với các pháp nhân thương mại thường dẫn đến một số hậu quả tiêu cực khác như: người lao động sẽ phải mất việc làm, giảm thu ngân sách nhà nước… Do vậy, chỉ áp dụng hình phạt này đối với những hành vi vi phạm thật sự nghiêm trọng và hậu quả là không thể khắc phục, trong trường hợp việc vi phạm có khả năng khắc phục được hậu quả thì hình phạt trên tinh thần tạo điều kiện cho pháp nhân khắc phục, sửa chữa sai lầm, do vậy sẽ chỉ chịu hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Bên cạnh đó, còn có các hình phạt bổ sung như: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.

Thực trạng áp dụng pháp luật

Mặc dù điều chỉnh chế định “nóng” như trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nhưng từ khi BLHS 2015 có hiệu lực tới nay mới có duy nhất một pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự là Công ty CP Nhôm Việt Pháp vào ngày 14/01/2020 về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Có thể thấy, pháp luật mới chỉ dừng ở bước đề ra mà chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng chi tiết gây khó khăn trong quá trình áp dụng cho cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, sau các lần tham vấn, qua nhiều bản dự thảo xây dựng Bộ luật, tại điểm b khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS năm 2017, một quy định đầy mơ hồ vẫn còn tồn tại: “Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.” khiến nhiều người thắc mắc tại sao không gộp chung vào các quy đinh về hình phạt sẵn có mà phải tách riêng và quy định này sẽ được áp dụng với các mức hình phạt cụ thể khác hay áp dụng một các độc lập. Và nếu áp dụng độc lập thì thực hiện trong trường hợp nào?

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

- Tại khoản 1 Điều 8 BLHS 2015 về khái niệm tội phạm đã khẳng định chủ thể của tội phạm bao gồm cá nhân và pháp nhân thương mại nhưng tại Điều 9 Luật này về phân loại tội phạm, pháp luật không hề chia mức độ đối với tội phạm của pháp nhân.

Ví dụ như định nghĩa về “Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù”, hình phạt của pháp nhân không có hình thức phạt tù nên việc phân loại này không thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm của tội phạm của pháp nhân.

- Về yếu tố lỗi, tại Điều 9 và Điều 10, pháp luật cũng chỉ quy định các trường hợp với chủ thể là “người” được hiểu là cá nhân. Cùng là hành vi phạm tội, dù là hành vi của cá nhân hay pháp nhân yếu tố lỗi đều cần thiết vì nó là căn cứ xác định tính chất của hành vi phạm tội từ đó, đưa ra hình phạt tương ứng.

Ngoài ra còn có các quy định khác về khái niệm tội phạm như đồng phạm, che giấu tội phạm, phạm tội chưa đạt…cũng cần được bổ sung chủ thể pháp nhân thương mại.

Như vậy việc bổ sung chủ thể pháp nhân thương mại trong các quy định này hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quá trình xác định các yếu tố cấu thành tội phạm và cung cấp căn cứ để buộc tội chủ thể này. Đây là điểm thiếu sót cần khắc phục tránh dẫn tới thực trạng duy nhất một pháp nhân bị khởi tố trong suốt quá trình áp dụng BLHS 2015 đến nay.

- Phân loại hình phạt:

Hình phạt được phân ra là hình phạt chính với mức độ mạnh, có tính răn đe cao và hình phạt bổ sung để hỗ trợ cho hình phạt chính nếu cần thiết để tăng sức răn đe. Hình phạt bổ sung lại có quy định về cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80 BLHS 2015) được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội và thời hạn cấm này được quy định từ 01 năm đến 03 năm. Quy định này giống “ Đình chỉ hoạt động có thời hạn" – hình phạt chính về trường hợp áp dụng nhưng lại có thời hạn áp dụng dài hơn so với hình phạt chính này (từ 06 tháng tới 03 năm). Đây là điểm bất hợp lý, cần phải điều chỉnh lại thời hạn áp dụng để hình phạt chính có tính nghiêm khắc hơn hình phạt bổ sung.

- Khoản 1 Điều 78 BLHS 2015 quy định:

 “Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế”.  

Quy định có đề cập tới thiệt hại của tội phạm là “tính mạng” con người và tính chất của hậu quả tương ứng là “có khả năng khắc phục trên thực tế” nhưng con người không thể sống lại nên việc gây thiệt hại tới tính mạng con người là hành vi có tính chất nghiêm trọng, không thể khắc phục được trên thực tế. Vì vậy cần đưa hành vi gây thiệt hại tới tính mạng con người vào hành vi tương ứng với hình phạt là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Như vậy, không thể phủ nhận việc tiếp thu các quy định quốc tế và hoạt động đổi mới, bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý của pháp nhân nhân thương mại trong BLHS 2015 để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chế định mới này vẫn còn nhiều điểm thiếu sót cần thêm nhiều ý kiến đóng góp từ phía các nhà nghiên cứu luật trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện hơn nữa chế định này trong pháp luật hình sự.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀN
Công ty Luật HOK
/vu-nu-tiep-vien-hang-khong-bi-xe-mercedes-tong-luat-su-kien-nghi-bi-hai-khang-cao-ban-an-so-tham.html