LSVNO - Trong quãng thời gian hành nghề đã hơn 30 năm kể từ ngày tôi vinh dự cùng 67 luật sư đầu tiên gia nhập Đoàn Luật sư TP. HCM (24/10/1989), đôi khi tôi cũng không giải thích được những ngã rẽ dường như là định mệnh. Việc một học sinh giỏi văn toàn quốc thi vào Khoa Văn lại bị chuyển sang Khoa Pháp lý Đại học Tổng hợp Hà Nội vào tháng 10/1977 quả thật là điều cha mẹ tôi không bao giờ nghĩ đến.
Sau khi ratrường về Sở Tư pháp TP. HCM đầu năm 1982, tôi lênđường nhập ngũ vào quân đội, ra quân năm 1986, với chuyên ngành tư pháp quốctế, tôi về công tác tại Tổng Công ty đầu tư và xuất nhập khẩu TP. HCM (Imexco).
Thật sự tôikhông thể biết trước được là chỉ sau 10 ngày biến cố vụ cháy trụ sở Imexco kinhhoàng xảy ra vào ngày 14/10/1989, tôi bắt đầu chính thức gia nhập Đoàn Luật sưTP. HCM với tư cách là một luật sưtập sự. Có lẽ, tháng Mười là một chỉ dấu bí ẩn cứ lặp lại trong cuộc đời tôi…
Sau khi vừalàm công tác thanh tra, trợ lý Tổng giám đốc về công tác đầu tư nước ngoài, vừatập sự với sự hướng dẫn của Luật sư Nguyễn Thành Công (Văn phòng ở quận 5 ngaygần nhà tôi), tôi bắt đầuphải trải qua kỳ kiểm tra, sát hạch kiến thức pháp luật và thực hành, với mộtHội đồng thi được thành lập theo Quyết định số 44/ĐLS do Chủ nhiệm Đoàn Luật sưTP. HCM ký ngày 01/7/1991.
Nhóm luật sư tập sự của chúng tôi trải qua kỳ kiểmtra viết về kiến thức pháp luật được tổ chức vào ngày 14/7/1991 tại trụ sởĐoàn Luật sư TP. HCM và bản thân tôi tham gia kỳkiểm tra, đánh giá trực tiếp về năng lực và phong cách bào chữa trước tòa củacác thành viên Hội đồng thi thực hành tại một phiên tòa hình sự diễn ra vàongày 05/8/1991.
Sau khi vượt qua cả hai kỳ kiểm tra, sát hạch hết sức kỹ lưỡng và chi tiết nói trên, tôi mới được công nhận chính thức, có đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ của một luật sư thực thụ theo Quyết định số 45/ĐLS ngày 10/8/1991 của Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM. Chính vì thế, khi tham gia phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ cháy trụ sở Imexco vào tháng 9/1991 với tư cách là Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hoàng - Tổng Giám đốc Imexco, có thể nói đây là phiên tòa đầu tiên tôi tham gia bào chữa với tư cách là một Luật sư thực thụ.
Là người trong cuộc, khi đótôi biết hiện trường vụ cháy gần như bị xáo trộn toàn bộ, bị lượng nước từnhiều phía phun vào dập ngọn lửa, làm ngập các phòng ốc nên quá trình điều tra nguyên nhân vụ cháy gặp rất nhiều khókhăn. Lực lượng Công an buộc phải phong tỏa toàn bộ khu vực cháy, hỗ trợ cơ quan Imexco về tạm trụsở tại 35-37 Bến Chương Dương của Sở Kinh tế đối ngoại. Sau này tôi mới đượcbiết về một chi tiết liên quan đến quá trình điều tra sau khi đám cháy được dậptắt, cơ quan Công an đã hình thành lực lượng trinh sát để theo dõi tất cả nhữngdi biến động của những người liên quan, trong đó tập trung chủ yếu là các vị trí trong Ban Tổng giám đốc Imexco, các vị trí quan trọng củacơ quan và tất cả những ai nằm trong tầm kiểm soát…
Các cuộc họp do Thành ủy, UBND TP. HCM được tổ chức liên tục, làm việc vào cả ban đêm, tìm các biện pháp khắc phục hậu quả vụ cháy và xúc tiến nhanh chóng việc điều tra nguyên nhân xảy ra vụ cháy. Bộ Nội vụ cử một phái đoàn vào tăng cường cho công tác điều tra. Bộ Kinh tế đối ngoại cũng cử các cán bộ có kinh nghiệm vào giúp cho việc ổn định tư tưởng, tổ chức và từng bước khôi phục lại hoạt động của Imexco. Đảng ủy và Ban Tổng giám đốc Imexco gần như có mặt tập trung nhiều ngày tại số 1 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vừa phân công phụ giúp cơ quan điều tra tổ chức khám nghiệm hiện trường, họp nội bộ cơ quan và chuẩn bị sẵn sàng bất cứ lúc nào lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố gọi là phải có mặt ngay để báo cáo, giải trình…
Với nhiệm vụlà trợ lý pháp chế của Tổng giám đốc, tôi cùng các cộng sự phải trực hàng ngàyđể giúp lãnh đạo soạn thảo toàn bộ các báo cáo, kiểm điểm và tổng hợp, đánh giácác tác động, hậu quả lâu dài của vụ cháy đến số phận của Imexco. Ngoài vị thếlà cán bộ Imexco, tôi bắt đầu nhập cuộc với tư cách Luật sư tập sự vào hànhtrình gian khổ trong quá trình thu thập chứng cứ trước khi tham gia phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM với tưcách là một Luật sư thực thụ.
Tôi đượcChánh Văn phòng Imexco cho phép tiếp xúc với các tài liệu còn ướt sũng và cháynham nhở lấy ra từ đống tro tàn của vụ cháy. Suốt ba ngày, tôi cùng một số nhânviên Văn phòng cẩn thận lôi từng tờ giấy, văn bảntừ trong các bao nilon vốn dùng để đựng gạo xuất khẩu… Tôi vuốt từng góc, làmsạch các vết cháy nham nhở, phơi khô, thậm chí phải ghép lại những mảnh vỡ củatài liệu, rồi ép plastic, đóng dần từng tập. Đã có khoảng 20 văn bản được thuthập liên quan việc chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy do ông Nguyễn VănHoàng là người ký. Những chứng cứ này vô cùng quan trọng, lại được thu thập từchính hiện trường vụ cháy, chứ không phải được tạo lập sau này, nên là cơ sở hìnhthành luận lý bào chữa tại phiên tòa sau này.
Công việctham khảo hồ sơ vụ án cho thấy một khối lượng công việc khổng lồ mà các cơ quantiến hành tố tụng đã làm. Sau một thời gian dài tiến hành điều tra, áp dụng cácbiện pháp giám định khoa học kỹ thuật với các chi tiết, mẫu vật thu được ở hiệntrường vụ cháy và với những nỗ lực, công phu của các cán bộ khoa học kỹ thuậtvà điều tra, điểm phát cháy được xác định là vị trí bàn làm việc của ông Lê PhướcT. ở lầu 2 của Phòng Xuất nhập khẩu II, nơi để tới 26 loại hóa chất, trong đó cócác loại hoá chất có khả năng cháy lớn khi tiếp xúc với ngọn lửa và tạo ranhiều khói độc hại như đã nêu trên.
Vào ngày12/9/1991, sau gần hai năm kể từ ngày xảy ra vụ cháy và hơn 01 tháng trở thànhLuật sư chính thức, phiên tòa sơ thẩm của TANDTP. HCM chính thức khai mạc với sự tham gia của tôi bào chữacho ông Nguyễn Văn Hoàng cùng Luật sư Trịnh Đình Ban.
Phiên tòa doThẩm phán Lê Quang Vinh - Phó Chánh tòa hình sự TAND thành phố được phân công làm Chủ tọa, hai vị Hội thẩmnhân dân là ông Thái Nhơn Hòa - Phó Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Namvà bà Trương Minh Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Laođộng quận 10 tham gia hội đồng xét xử.
Có thể nói,cung cách thẩm vấn và cư xử của các vị Hội thẩm đáng kính này để lại trong tôirất nhiều ấn tượng. Thực hành quyền công tố tại phiên tòa là ông Nguyễn VănBông - Phó Viện trưởng VKSND TP. HCM (sau này về hưu gianhập Đoàn Luật sư TP. HCM).
Sau khi lắngnghe phần luận tội của đại diện VKS, vì tôi là người đã côngtác tại Imexco, là một phần của Imexco, nên Luật sư Trịnh Đình Ban đãđồng ý cho tôi phát biểu trước.
- Tôi xin bắtđầu từ chính lập luận của vị đại diện VKSND thành phố. Cầm các tài liệu trên tay, tôi hồi hộp hướng về phía Hộiđồng xét xử.
“Nguyên nhân gây ra cháy nhanh, cháy lớn ở trụ sởImexco chính là do các loại hóa chất này, nhưng cái gì đã tác động vào cáchoá chất đó, làm cho bốc cháy, thì đến nay cơ quan điều tra chưa có cơ sởđể kết luận”. Yếu tố tác động chủ quan vào nguyên nhân vụ cháy có hay không chưađược làm rõ. Vì thế, nội dung điều luật viện dẫn đòi hỏi cơ quan tiến hành tốtụng phải chứng minh được: Có hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác phòngcháy chữa cháy tại Imexco và hành vi thiếu trách nhiệm đó có phải là nguyênnhân trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng từ vụ cháy hay không?.
Tôi dừng lạivà chuẩn bị các tài liệu, văn bản còn nguyên vết cháy nham nhở thu lượm được từhiện trường vụ cháy, hướng về phía ông công tố và nhấn mạnh:
- Để xác địnhđược phạm vi trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Hoàng, theo chúng tôi cần đối chiếuvới các quy định của Nhà nước, sự phân công trong Ban Tổng giám đốc và nhữngbiện pháp cụ thể đã triển khai về công tác phòng cháy chữa cháy… “Bản quy địnhvề chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụnhân dân” ban hành kèm theo Nghị định 217/CP ngày 08/6/1979 của Hội đồng Chính phủ và Nghị định 220/CP ngày28/12/1961 về việc thi hành Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối vớicông tác phòng cháy chữa cháy đã xác định trách nhiệm chung và trách nhiệm cụthể của thủ trưởng đơn vị về công tác phòng cháy chữa cháy.
Ở đây, cần phân biệt địa vị pháp lý của ông Nguyễn Văn Hoàng theo cơ cấu có tính “hệ thống” của tổ chức Imexco. Xét về phương diện này, theo Thông báo phân công Ban Tổng giám đốc ngày 08/6/1989, ông là người chịu trách nhiệm chung về quản lý và kinh doanh của đơn vị, phụ trách khối nội chính, đối ngoại, đầu tư nước ngoài, kế toán tài vụ, hợp tác xuất nhập khẩu với Campuchia; trực tiếp chỉ đạo các Phòng Tổ chức cán bộ và đào tạo, Phòng Hợp tác đầu tư, Ban Thanh tra, các Công ty Sapexim, Agrex Saigon. Phân tích rạch ròi tính “hệ thống” trong phạm vi trách nhiệm nói trên để nhằm phân biệt với cơ quan Imexco tại trụ sở số 8 Nguyễn Huệ do một Phó Tổng giám đốc khác phụ trách và của Văn phòng Tổng Công ty là người giúp và chịu trách nhiệm với Tổng giám đốc về bảo đảm an ninh trật tự, bảo quản sử dụng hợp lý trụ sở và tài sản cơ quan do Tổng giám đốc giao.
Tôi xuấttrình tập tài liệu khoảng 20 văn bản thu thập liên quan việc chỉ đạo công tácphòng cháy chữa cháy của ông Nguyễn Văn Hoàng cho Hội đồng xét xử, đại diện VKS và nhấn mạnh:
- Các văn bảnmà quý tòa đang có trong tay là những tài liệu thu được từ hiện trường vụ cháy,thể hiện ông Nguyễn Văn Hoàng và ban lãnh đạo Imexco có trách nhiệm trong việcchỉ đạo công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy ở các đơn vị thuộc hệ thống mộtcách thường xuyên, đặc biệt trong mùa khô, trong dịp lễ, Tết; ở những trọngđiểm quan trọng như kho tàng, nơi làm việc, quản lý hồ sơ giấy tờ; chỉ đạo kiểmtra định kỳ, có sự phối hợp của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, tổ chứccác lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ, thi phương án phòng cháy chữa cháy. Bảo vệchuyên trách thuộc Phòng Tổ chức cán bộ tham mưu cho Tổng giám đốc ký một sốvăn bản nhắc nhở chung các đơn vị toàn hệ thống Imexco và Văn phòng Tổng Côngty trực tiếp triển khai công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy tại cơ quanImexco.
Tôi quyếtđịnh đưa ra một bằng chứng cuối cùng... Ngay trước thời điểm phiên tòa sơ thẩmchuẩn bị diễn ra, Văn phòng Imexco tại 45-47 Bến Chương Dương bỗng nhận đượcmột tấm Bằng khen của… chính Ban giám đốc Công an thành phố tặng cho Ban lãnhđạo và tập thể cán bộ nhân viên Imexco về thành tích đặc biệt trong công tácphòng cháy chữa cháy trong 10 năm qua ! Câu chuyện về tấm Bằng khen nàyđược đề xuất như thế nào và tại sao nó lại được gửi đến Imexco vào thời điểmsau khi xảy ra vụ cháy vẫn là một bí ẩn đến bây giờ tôi vẫn không sao giảithích được. Có người cho rằng là việc xem xét khen thưởng công tác phòng cháychữa cháy là việc định kỳ, đã diễn ra từ trước thời điểm cháy trụ sở Imexco.Lúc đó, mọi việc được nhìn nhận và đánh giá không phải như bây giờ và các bộphận tham mưu theo lề thói hành chính bình thường, trình lên cho lãnh đạo Côngan thành phố ký Bằng khen, tất nhiên không nghĩ đến trụ sở Imexco đã cháy… Tôicũng nhận thấy sự hợp lý và tính logic của sự kiện này theo cách giải thích nêutrên, nhưng tấm Bằng khen đỏ chói xuất hiện tại phiên tòa vào thời điểm nàythật sự tạo một ấn tượng đặc biệt, minh chứng rất rõ Tổng giám đốc Imexco khôngphải là người thiếu trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy, mà ngượclại là đằng khác. Nó có ý nghĩa của một vật chứng cứu rỗi…
Việc nghị án diễn ra khá lâu và ngày 18/9/1991, số phận của ông Nguyễn Văn Hoàng đã được định đoạt: Ông chỉ bị tuyên phạt Cảnh cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”! Điều đáng nói là nội dung kết luận của bản án dường như là sự pha trộn quan điểm, trong đó vừa không thể không có một hình phạt nào đó đối với người đứng đầu một đơn vị xảy ra vụ cháy hậu quả nghiêm trọng, vừa cảm nhận được thật sự trong vụ cháy này, ông Nguyễn Văn Hoàng không có tội. Chính cái lý lẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng về nguyên nhân gây ra cháy nhanh, cháy lớn là do hóa chất, nhưng cái gì đã tác động vào các hoá chất, làm cho nó bốc cháy thì không kết luận được, đã tạo cơ hội cho việc giải thích về mối quan hệ nhân quả: Hậu quả vụ cháy rất nghiêm trọng, nhưng nó không xuất phát từ hành vi thiếu trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Hoàng.
Phải rất lâusau tôi mới thoát ra khỏi tâm trạng xốn xang của mình trước những gì đang diễn ra. Hành trình của vụ án còn đè nặng trongtâm trí tôi, hình ảnh những vết cháy nham nhở trên các trang tài liệu thu thậpđược đã khiến cho các vị trong Hội đồng xét xử cảm thấy hết sức bất ngờ.
Được làm việc và tham gia phiên tòa cùng Luật sư Trịnh Đình Ban, tôi học hỏi được một phong thái lịch lãm trong ông, cái cách mà ông thể hiện bài bào chữa và khẩu khí đối đáp tại phiên tòa. Vụ án này chưa hẳn được coi là một thành công, nhưng đọng lại trong tôi một cảm xúc khó tả khi tôi bắt đầu hiểu ra một chừng mực nào đó sức mạnh của thứ vũ khí “luận lý” của một luật sư và sự tác động của nó đến tiến trình tố tụng của vụ án. Sống trong cảm nhận và chia sẻ với người mình nhận bào chữa, cố gắng hiểu thấu đáo bản chất sự việc, cũng như phương pháp trình bày khoa học, có hệ thống, biết sử dụng những chi tiết tưởng như vô nghĩa, nhưng đặt nó trong hoàn cảnh và mối liên hệ tất yếu bên trong, tự nó có thể tỏa sáng thành “vật chứng” có giá trị thuyết phục…
TS. LS. Phan Trung Hoài