LSVNO - “Tính vua nhân từ, có trí lược, thương dân, ơn huệ cố kết lòng dân. Đời vua, quân Nguyên hai lần xâm phạm. Vua chọn tướng, rèn quân rồi bình được giặc lớn. Cái công trùng hưng rực rỡ hơn trước...".
Anh hùng chống ngoại xâm
Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm (1258 - 1308 ). Ông là con trai đầu của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu. Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278) Trần Khâm được cha truyền ngôi. Thánh Tông lên làm Thái thượng hoàng và cùng trị vì với Nhân Tông cho đến khi mất năm 1290.
Trần Nhân Tông lên ngôi trong lúc nền độc lập Đại Việt bị đe dọa trầm trọng. Ở phương Bắc, Nguyên – Mông đã chinh phục hầu hết Nam Tống và bắt đầu dòm ngó Đại Việt. Ngay sau khi ông đăng quang, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai Sài Thung sang lấy cớ Nhân Tông “không xin mệnh mà tự lập” để ép vua Trần sang triều kiến. Trần Nhân Tông đã đối đãi tử tế với Sài Thung, nhưng kiên quyết không sang chầu. Đứng trước hiểm họa xâm lược từ Nguyên – Mông, Hoàng đế đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo sự ổn định và đoàn kết trong nước.
Tháng 2 năm 1285, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem binh thuyền xâm lược Đại Việt. Quân Đại Việt do nhà vua và Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh trả quyết liệt, đánh bại cuộc tấn công của quân Nguyên – Mông. Tháng 7 năm 1285, vua Nhân Tông đã phóng thích các tù binh người Chiêm Thành (họ bị quân Nguyên bắt tòng quân khi Toa Đô xâm lược Chiêm Thành năm 1283) về nước. Tù binh quân chính quy Nguyên - Mông cũng được trở về quê hương vào mùa xuân năm 1286.
Tháng 12 năm 1287, quân thủy bộ nhà Nguyên lại chia làm 3 đạo tiến vào Đại Việt. Đến ngày 19 tháng 4 năm 1288, quân Nguyên đã bị quét sạch hoàn toàn khỏi Đại Việt. Trong bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục có nhận xét: “Lúc bấy giờ nhà Nguyên mới nổi lên, khí thế rất ngang ngược; nhà Trần cũng may gặp lúc mới nổi lên, được các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và tướng văn tướng võ phần nhiều người tài, mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước, chứ nếu gặp người khác thì chưa biết thế nào”.
Tháng 10 (âm lịch) năm 1299, sau khi nhường ngôi cho Anh Tông, Nhân Tông rời đến Yên Tử (Quảng Ninh), lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà và tu hành theo thập nhị đầu đà (mười hai điều khổ hạnh). Ông còn có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu đà hay Trúc Lâm Đại sĩ và Giác hoàng Điều ngự.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có nhận xét về Trần Nhân Tông: “Tính vua nhân từ, có trí lược, thương dân, ơn huệ cố kết lòng dân. Đời vua, quân Nguyên hai lần xâm phạm. Vua chọn tướng, rèn quân rồi bình được giặc lớn. Cái công trùng hưng rực rỡ hơn trước. Sau khi nhường ngôi, vua lưu tâm kinh điển nhà Phật, xây am Thiên Kiến, đúc đỉnh Phổ Minh, thờ Phật rất chăm. Về sau đi tu ở núi Yên Tử rồi mất ở am Ngọa Vân”.
Những đóng góp của vua Trần Nhân Tông với pháp luật
Sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông việc vua Trần Nhân Tông đã công bố đại xá cho cả nước miễn toàn bộ tô thuế cho những vùng đã trải qua chiến tranh và giảm tô thuế cho các vùng khác trong cả nước. Đất nước vừa trải qua cơn binh lửa Trần Nhân Tông người đứng đầu quốc gia Đại Việt thời kỳ đó đã ý thức rõ được việc cần tập trung lại để xây dựng đất nước ổn định dân sinh phát triển xã hội . Khi giang sơn đã vững vàng thì việc thiết lập và củng cố luật pháp chính là căn cứ là nền tảng để xây dựng quốc gia vốn mạnh quan niệm trị quốc “lấy dân làm gốc” đã được Trần Nhân Tông thực hiện triệt để trong chủ trương này.
Đại Việt sử ký toàn thư còn viết: Ngày 27/2 vua hồi kinh mùa hạ tháng 4 năm Mậu Tý – 1288, tùy theo tình hình mà miễn giảm và mức độ khác nhau tháng nhau, trị tội những người đầu hàng giặc. Nếu phạm tội được miễn tội chết nhưng phải đi vận chuyển gỗ đá xây dựng cung điện để chuộc tội, quan viên phạm tội thì tùy nặng nhẹ và xử trị. Đặc biệt vua Trần Nhân Tông đã xử trị hai làng Ba Điểm và Bàng Hàng vì trong cuộc chiến chống Nguyên Mông người dân của hai nơi này đã không chống giặc mà nhanh chóng đầu hàng giặc khiến chúng dễ dàng tiến sâu hơn vào lãnh thổ nước ta. Với tình huống cả làng đều phạm tội khi đầu hàng giặc, Trần Nhân Tông đã có hình thức trị tội khéo léo nhân đạo mà vẫn nghiêm khắc giữ được phép nước bằng cách bắt quân dân ở hai làng Ba Điểm, Bàng Hàng phải làm binh thang mộc, không được gia nhập vào hàng quan lại, ngoại trừ với các tể thần thì ban cho làm sai sử hoàng.
Trần Nhân Tông cũng tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước, người làm quan là bậc cha mẹ của dân phải yêu dân như con, ông đã tốn rất nhiều công sức trong việc lựa chọn quan văn về các lộ, cai trị theo pháp luật, từ đó tạo điều kiện sản xuất tốt và cuộc sống an cư, công bằng cho người dân. Riêng đối với các vị quan quản lý thì nhà Vua cho tiến hành thanh tra công tác kiểm tra giám sát nhằm thực hiện một bộ máy quan lại liêm chính, trong sạch. Khi phát hiện quan lại lợi dụng quyền hạn, chức vụ nhũng nhiễu nhân dân, khiến nhân dân oán than, đời sống khó khăn thì Nhân Tông cũng có cách xử lý nghiêm khắc mà khéo léo, mở rộng lòng nhân, hướng con người quay về bản chất thật thà. Bởi, ông cho rằng tham lam chỉ là cái nhất thời do điều kiện khách quan làm lu mờ ám bản chất lương thiện của con người, nếu có phát hiện kịp thời răn dạy đúng cách, tạo cơ hội cho họ sửa sai thì con người sẽ hoàn toàn có khả năng tái hoàn đức nhân.
Xử án phải có lý có tình
Toàn thư còn ghi rất rõ vụ án Phí Mạnh là An phủ sử Diễn Châu tham ô, năm 1292, vua bèn triệu về kinh xử phạt, bị đánh trượng nhưng sau đó cho trở về Diễn Châu giữ nguyên chức vụ. Sau lần bị kỷ luật và giáo dục đó, Phí Mạnh đã trở thành vị quan nổi tiếng thanh liêm, đến nỗi dân gian có câu: “An phủ Diễn Châu trong như nước”.
Vua Trần Nhân Tông cũng bổ nhiệm một số người có công trạng và đức độ như Phùng Sĩ Chu làm Hành khiển, Trần Thì Kiến làm An phủ lộ Yên Khanh. Bộ máy nhà nước sau chiến tranh dần dần trở lại hoạt động bình thường, những viên chức hiểu pháp luật và có khả năng tổ chức đời sống của dân được trọng dụng. Việc dùng người hiểu biết pháp luật và quản lý hành chính vừa làm cho công tác quản lý hành chính thêm minh bạch hiệu quả, vừa có khả năng hướng dẫn người dân sống theo pháp luật, thêm vào đó là cách thức ông nghiêm trị cũng đáng để cho chúng ta một bài học sâu sắc khi không sử dụng người phạm lỗi vào đúng vị trí phạm lỗi để sửa lỗi.
Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại, Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung có người em tên Đỗ Thiên Hư từng kiện cáo một người; dù Thiên Hư trái về cả tình lẫn lý nhưng viên quan xử án tỏ ra bênh vực. Người bị kiện thấy vua Trần Nhân Tông đang đi ngoài thành, bèn đón và kêu oan. Nhà vua đánh giá về viên quan xử án: “Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy”, rồi cử ngay Chánh chưởng Nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức Kiểm pháp quan để điều tra lại, cuối cùng Thiên Hư phải nhận sai.
Điều đó chứng tỏ bản lĩnh lãnh đạo trị thuốc dùng người và quan trọng hơn là thiết lập cơ sở cho việc chính quyền khi ban hành và thực thi pháp luật. Ngoài những điều nghiêm khắc cần tuân thủ cũng cần có đức bao dung, tạo cơ hội sửa sai cho người phạm pháp hoàn lương, trở thành người có ích. Mở rộng lòng nhân ái, thấm nhuần đức hiếu sinh đó chính là cơ sở cho việc hình thành một nền pháp luật nghiêm minh mà nhân ái, tạo ra đất nước quy củ, có trật tự, thực hiện pháp luật một cách tự giác. Có thể nói đây là minh chứng rõ nhất về sự thể hiện chủ trương chỉ đạo tối cao sao về việc xét xử, trong chỉ dạy cách thức xử lý linh hoạt giữa tình và lý, cách phân biệt tình lý thật giả. Như vậy, Trần Nhân Tông rất chú trọng đến việc xét xử sao cho không bị oan sai, cũng không bỏ qua tội của kẻ đáng trị tội.
Trần Nhân Tông trong công cuộc kiến thiết nền pháp luật của mình khi đến nay không còn sách vở nào ghi tường tận nhưng những gì còn lại tản mát trong các thư tịch, đặc biệt ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư cho ta thấy những đóng góp của Trần Nhân Tông với pháp luật Nhà Trần được thể hiện qua nhiều phương thức, chủ yếu qua các sắc, lệnh, chiếu, biểu; về nội dung chủ yếu qua các điều luật mà ngày nay nằm trong các bộ luật về Hình sự, Hành chính, luật Tổ chức cán bộ… Đó là luật Hành chính khi ông đại xá cho nhân dân, miễn tô thuế. Đó là luật tổ chức khi ông cử quan am hiểu pháp luật đi cai trị ở các lộ; xử lý quan tham bằng xử phạt nghiêm minh nhưng tạo cơ hội cho họ sửa chữa lỗi lần, trở thành quan thanh liêm. Sau này khi Nhân Tông làm Thái thượng hoàng, có lần ông đã phàn nàn với Trần Anh Tông vì vua này bổ nhiệm quá nhiều quan chức: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế”. Ngoài ra còn có các luật phòng chống tham nhũng được sơ khởi và hoàn thiện dưới thời Trần Nhân Tông…
Trần Đức (Tạp chí tòa án) |