/ Phòng xử đa chiều
/ Trần Thành Tr. có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Trần Thành Tr. có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

05/01/2021 17:52 |

LSVNO - Tòa án nhân dân huyện K. kết án Trần Thành Tr. về tội “Cố ý gây thương tích” là không sai, nhưng việc không xem xét đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội trong...

LSVNO - Tòa án nhân dân huyện K. kết án Trần Thành Tr. về tội “Cố ý gây thương tích” là không sai, nhưng việc không xem xét đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”; “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”, theo quy định tại điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS là chưa thỏa đáng.

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện K., khoảng 17 giờ 30 phút ngày 18/3/2017, Trần Thành Tr. trên đường đến bệnh viện thăm bố thì nhận được điện thoại của vợ là Nguyễn Thị L., với nội dung: Chị Hồng Kim Đ. cùng hai thanh niên lạ mặt chặn đường chị L. để đòi nợ, sau đó, chị Đ. dùng tay đánh vào mặt làm chị L. té ngã xuống đường, do vậy, Tr. cứ đi thăm bố, L. không thể đi được. Nghe xong, Tr. tiếp tục điều khiển xe Honda về hướng bệnh viện. Trên đường đi, Tr. ghé vào nhà của chị Đ. để nói chuyện về khoản tiền Tr. đã mượn của vợ chồng chị Đ. (lúc này khoảng 18 giờ 10 phút). Sau khi nói chuyện được khoảng 5 phút, hai bên phát sinh cãi vã, anh H. (chồng chị Đ.) xông tới dùng tay đánh vào vùng mặt Tr., đồng thời, Tr. rút con dao Thái Lan (lưỡi dài 12cm, rộng 02cm, cán gỗ dài 11cm) để sẵn trong túi quần, đâm trúng vào tay trái anh H.. Hai bên giằng co làm con dao bị cong và rơi xuống đất. Thấy vậy, chị Đ. xông vào phụ chồng xô xát với Tr.; Tr. rút con dao thứ hai (dao Thái Lan, lưỡi dài 15cm, rộng 03cm, cán nhựa dài 11cm) đâm trúng tay chị Đ.. Hai bên tiếp tục giằng co làm con dao bị gãy rơi xuống đất. Tr. bị ngã xuống đống bê tông, rồi ngồi dậy nhặt mảnh bê tông vụn định ném anh H., nhưng H. đã bỏ chạy. Sau đó, Tr. đến công an xã trình báo sự việc. Hậu quả, anh H. bị thương mặt trong cánh tay trái kích thước 11,5 x 0,2 cm, tỷ lệ tổn thương qua giám định 16%; chị Đ. bị thương dưới cánh tay phải kích thước 6,5 x 0,3cm, tỷ lệ tổn thương 05%. Tội danh Viện kiểm sát nhân dân huyện K. truy tố đối với Trần Thành Tr. “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999.

Bản án hình sự số 07/2017/HS-ST của Tòa án nhân dân huyện K., áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999; điểm h khoản 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017; khoản 3 Điều 7, điểm x khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015, xử phạt Trần Thành Tr. 02 năm tù giam.

Ảnh minh họa.

Xoay quanh xác định sự việc như Cáo trạng đã nêu và đánh giá chứng cứ vụ án của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện K. thể hiện tại Bản án hình sự số 07/2017/HS-ST, tác giả có mấy ý kiến muốn trao đổi như sau:

Một là, quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự huyện K. cho rằng: Chị L. bị chị Đ. đánh vào mặt, té ngã xuống đường xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 18/3/2017. Trong khi đó, Tr. tìm đến nhà chị Đ. vào khoảng 18 giờ 10 phút, nghĩa là có sự giãn cách về mặt thời gian và Tr. cũng không nhìn thấy sự việc xảy ra. Hơn nữa, khi đến nhà chị Đ., thái độ của Tr. bình tĩnh nên không coi sự việc này đã kích động đến tinh thần của Tr., từ đó, không có cơ sở áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội do bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS.

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy, trước đó, điện thoại di động của Tr. có nhận được 02 tin nhắn từ số thuê bao của anh H., vào lúc 8 giờ 35 phút và 8 giờ 42 phút ngày 13/3/2017, nội dung:

+ Tin nhắn 1: Hôm nay mà mày không chạy đưa tao, chiều tao vô thì mày đừng nói sao nha.

+ Tin nhắn 2: Tao cho người kiếm con vợ mày, coi thử chạy khỏi tao không.

Tr. là người vay nợ của vợ chồng chị Đ.; người nào vay người đó có trách nhiệm trả. Vợ của Tr. không liên quan, không hay biết gì đến món nợ mà Tr. đã vay. Vậy tại sao chị Đ. lại chặn đường, đánh đập, đe dọa chị L. trước sự chứng kiến của nhiều người làm việc chung công ty với chị L.? Nghiêm trọng hơn, chị L. không dám đi ra đường, do sợ tiếp tục bị đánh, bị làm nhục. Điều này lại trùng khớp với nội dung tin nhắn mà anh H. đã gửi vào máy điện thoại di động của Tr.. Cho dù trước ngày 18/3/2017, Tr. cùng với anh Hồng Kim Th. (anh ruột chị Đ.) và H. đã thỏa thuận được việc trả nợ của Tr.. Vậy cớ sao những người này đánh vợ của Tr.?

Từ đó, nếu cho rằng tinh thần của Tr. không bị kích động khi tìm đến nhà chị Tr. là không xem xét toàn diện, đầy đủ, khách quan tình tiết của vụ án, vì các lý do sau:

+ Nếu như chiều hôm đó, chị L. không bị chị Đ. đánh, thì Tr. đã không tìm nhà chị Đ., và như vậy, sẽ không có chuyện gì xảy ra.

+ Chị L. bị chị Đ. đánh vào khoảng 17 giờ, nhưng đến khoảng 17 giờ 45 phút, chị L. mới gọi điện thoại báo tin cho Tr. nói rõ sự việc. Lúc này, Tr .đang trên đường đi đến bệnh viện, khoảng 18 giờ 10 phút, Tr. có mặt tại nhà chị Đ.. Như vậy, giãn cách về mặt thời gian từ khi nhận được tin báo đến khi có mặt tại nhà chị Đ. chỉ có 25 phút mà thôi. Mặc dù Tr. không trực tiếp chứng kiến cảnh vợ mình bị nhóm người của chị Đ. chặn xe, đánh vào mặt té ngã xuống đường, hiện còn hoảng sợ không dám ra đường do sợ nhóm người đó đánh tiếp - theo lời kể của chị L., nhưng tinh thần của Tr. chắc chắn có bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của chị Đ. Đó là chưa kể đến trường hợp, nếu Tr. tận mắt chứng kiến sự việc trên, thì có lẽ sự việc nghiêm trọng hơn đã xảy ra ngay tại thời điểm vợ mình bị chị Đ. đánh. Điều này đã phần nào trả lời cho câu hỏi tinh thần của Tr. có bị kích động hay không, khi biết tin vợ mình bị nhóm người của chị Đ. đánh.

+ Tại phiên tòa, cũng như nội dung các bản lời khai của Tr. có trong hồ sơ cho thấy: Tr. tìm đến nhà chị Đ. để hỏi vì sao lại đánh vợ mình và mong muốn đừng làm lớn chuyện, vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, vị trí công tác của mình, đồng thời, nhắc lại việc thỏa thuận trả nợ trước đó. Tr. nhận thức được rằng việc nợ nần tiền bạc của Tr., nếu để đơn vị biết, chắc chắn rằng bản thân Tr. sẽ bị kỷ luật, ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu rèn luyện hơn 12 năm qua của chính mình. Mặt khác, bố ruột của Tr. đang mang trọng bệnh rất cần sự tĩnh dưỡng, mọi tin xấu có thể khiến bệnh tình của ông ấy trở nên nặng hơn. Do đó, dù rất tức giận về hành vi mà chị Đ. đã ỷ thế đông người đánh vợ mình trước đó, nhưng Tr. vẫn cố gắng kìm nén, tỏ ra bình tĩnh, hỏi rõ sự việc. Tại đây, khi nói chuyện, anh H. nói: “Mày không trả tiền thì vợ mày còn bị đánh tiếp”; H. còn chửi thề, nói: “Mày không đưa tiền, tao đánh chết mẹ mày”. Theo quan điểm của tác giả, những câu nói đó của anh H. chẳng khác nào “giọt nước làm tràn ly”. Bản thân Tr., khi đến nhà của vợ chồng H. đã chất chứa bao sự dồn nén về mặt tinh thần, trong điều kiện ấy, chỉ cần một sự thách đố, đe dọa, kích động dù rất nhỏ, cũng đủ để Tr. bộc phát hành động mà hoàn toàn thiếu sự kiềm chế. Nói cách khác, những câu nói của anh H. được coi là đỉnh điểm của sự bị kích động về mặt tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại. Từ diễn biến của sự việc cho thấy, phía bên chị Đ. có những hành vi xử sự vượt quá khuôn khổ của pháp luật cho phép, không vì việc anh Tr. thiếu tiền chưa trả đủ theo thỏa thuận mà có các hành xử thô bạo như vậy. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ án xảy ra.

Chị L. không hay biết việc Tr. đến nhà vợ chồng chị Đ. từ khi nào, diễn biến ra sao,… mà tại tòa chỉ được hỏi và khai báo việc chị bị nhóm người của chị Đ. chặn xe, đánh té ngã xuống đường. Nội dung lời khai này của chị không có gì khác so với lời khai tại cơ quan điều tra và được Hội đồng xét xử ghi nhận trong bản án. Tuy nhiên, cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án của Tòa án nhân dân huyện K. đều loại bỏ tình tiết chị L. bị chị Đ. đánh vào mặt làm té ngã xuống đường, do không liên quan gì với diễn biến vụ án!? Theo tôi, đây là sự cắt xén theo hướng không có lợi cho người phạm tội. Xét ở góc độ nào đó có sự “vo tròn” theo ý muốn chủ quan của người tiến hành tố tụng, theo hình thức “đóng giầy rồi mới đo chân”. Dù lý do nào đi chăng nữa, sự cắt rời các tình tiết có tính liên tục, kế tiếp nhau ấy đã làm cho bản chất vụ án không được nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện, từ đó đánh giá không đúng với sự thật khách quan của nó. Câu hỏi mà Hội đồng xét xử không thể có lời giải đáp thuyết phục, đó là, nếu chị Đ. không đánh chị L. trước khu vực cổng của công ty chị L. vào chiều ngày 18/3/2017, thì anh Tr. có tìm đến nhà chị Đ. không, trong khi Tr. không có hẹn với vợ chồng chị Đ.. Việc cho rằng, Tr. khi đến nhà chị Đ. vẫn còn bình tĩnh không có biểu hiện gì của sự bị kích động, theo tác giả, đó là sai lầm trong xem xét, đánh giá khi đi tìm bản chất thật của sự việc. Ở đây, theo lời khai của Tr., số vật dụng mang đến bệnh viện cùng với phích nước, trái cây, màn,… còn có 02 con dao. Hai con dao này, trước đó Tr. cuộn trong giấy báo, để trong túi xách và được treo ở móc baga giữa. Khi nhận được cuộc điện thoại của vợ báo tin, Tr. đã lấy cuộn giấy báo bên trong có 02 con dao và nhét trong túi quần. Hành động này của Tr. đã nói lên điều gì? Nếu như tinh thần của Tr. không bị kích động thì Tr. có thực hiện việc làm đó không? Như vậy, chỉ có thể từ cuộc gọi của chị L. báo tin mình bị đánh từ nhóm người của chị Đ., nên Tr. đã không kiềm chế được cảm xúc và tìm đến nhà chị Đ. khi đang trên đường đến bệnh viện.

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi của mình. Nói chung, sự kích động đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi phạm tội. Trước đó, ngày 13/8/2017 anh H. đã nhắn tin đe dọa cho người tìm vợ của Tr.…, đây là áp lực tương đối nặng nề về mặt tinh thần; kế đến ngày 18/3/2017 vợ của Tr bị vợ của H. chặn đánh, hành vi trái pháp luật của nạn nhân làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được. Do vậy, nếu tách riêng lẻ ra từng sự việc, thì không coi là kích động, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì phải được coi là bị kích động về tinh thần.

Trong lúc nói chuyện, anh H. dọa sẽ tiếp tục đánh chị L., nếu Tr. không trả nợ, rồi chủ động xông vào đánh nhiều cái trúng vào mặt, cổ của Tr.. Nếu tại thời điểm Tr. rút dao ra dọa, anh H. không tiếp tục xông vào đánh Tr. thì chắc chắn rằng vụ án cũng không xảy ra. Chính vì lẽ đó, nếu cho rằng Tr. chủ động mang theo dao tìm đến nhà vợ chồng anh H. là để gây án là chưa xem xét khách quan, toàn diện, đầy đủ các tình tiết của vụ án. 02 con dao Thái Lan dù không cố ý mang theo khi đến nhà chị Đ. (chỉ là sự trùng hợp khi Tr. mang cùng những thứ vật dụng cần thiết cho người bệnh, trong đó có dao để gọt trái cây), nhưng chắc chắn rằng Tr. sẽ không dùng đến, nếu như anh H. không chủ động đánh Tr. nhiều cái trúng vào mặt, cổ gây sưng mặt, ù tai. Hành vi trái pháp luật của H. khi đánh Tr. tuy không nghiêm trọng nhưng rõ ràng đã làm cho tinh thần của người phạm tội bị kích động.

Nhìn lại diễn biến vụ án cho thấy, nếu như chị Đ. không có hành động đánh vào mặt chị L., làm té ngã xuống đường, thì sẽ không có lý do gì Tr. tìm đến nhà chị Đ vào buổi chiều hôm đó. Nếu như anh H. không chủ động, bất ngờ dùng nắm tay phải đánh trúng vào mặt, cổ của Tr., gây sưng mặt, ù tai, thì chắn chắn rằng Tr. đã không sử dụng dao để chống trả, gây thương tích cho anh H.. Điều đó cho thấy, giữa các tình tiết diễn biến kế tiếp nhau, nối liền nhau, tâm lý của người phạm tội cũng theo đó mà có những diễn biến khác nhau, do đó, theo quan điểm của người viết, khi xem xét tình tiết diễn biến vụ án xảy ra không được ngắt rời, phân đoạn theo ý chí chủ quan của mình.

Hành vi trái pháp luật của chị Đ. và anh H. là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tinh thần của Tr. bị kích động, không tự kiềm chế hành vi của mình được. Pháp luật hình sự hiện hành cũng không có quy định nào cấm theo hướng đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người bị hại có lỗi” thì không được áp dụng tình tiết “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại”, hoặc ngược lại. Vậy tại sao Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại” theo điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 đối với Trần Thành Tr.?

Thứ hai: Bản án sơ thẩm đã không làm rõ nhiều tình tiết có ý nghĩa gỡ tội đối với anh Tr., đó là:

Theo lời khai của anh H.: “…lúc này vợ tôi la lên: “Nó cầm dao kìa anh H., nó cầm dao kìa H.”, nên tôi cũng lùi về phía sau, Tr. vẫn cầm dao tiến về hướng tôi, lúc này, tôi thấy vợ tôi  xông vào xô Tr. ra, thấy vậy, tôi cũng tiến tới dùng 02 tay xô Tr. ra xa và kéo vợ tôi lùi về phía sau thì tôi thấy vợ tôi bị thương ở tay phải máu ra rất nhiều, còn Tr. bị vợ chồng tôi xô nên cũng ngã ra xa cách tôi chừng 2 mét…”. Tại phiên tòa sơ thẩm, anh H. khai, sau khi nói chuyện qua lại, tôi dùng tay phải đánh trúng vào mặt, cổ phía bên trái của Tr.. Liền ngay tức khắc, Tr. rút dao ra đâm tôi…

Chị Đ. khai: “…sau khi nói chuyện được chừng 10 phút thì chồng tôi có xông vào đánh trúng mặt Tr. một cái, thì lúc này tôi thấy Tr. lấy ra một con dao từ trong túi quần bên phải, loại dao Thái Lan có cán bằng cây, thấy vậy tôi la lên “nó cầm dao kìa H.” và chạy ra thì tôi thấy Tr. đã đâm trúng chồng tôi một cái, rồi tôi dùng 02 tay xô 02 người ra, tay phải thì tôi xô Tr., còn tay trái thì tôi đẩy chồng tôi ra, khi tôi xô Tr. ra thì Tr. dùng dao đâm trúng tôi một vết vào tay phải…”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Tr. khai: Do bị anh H. đánh quá bất ngờ, nên bị mất thăng bằng, khi anh H. tiếp tục đánh, tôi mới rút dao trong người ra để dọa và nói: “Mầy đừng ép tao nghen H.”. Tôi cầm dao quơ qua quơ lại nhằm để dọa, chứ không chủ động tấn công bằng dao. Trong khi đó, anh H. vẫn xông vào để đánh tôi, tôi tiếp tục quơ dao và có gây vết thương cho anh H. không, tôi không biết rõ, do diễn ra quá nhanh… Khi chị Đ. từ trong hành lang nhà chạy ra xô tôi, tôi hơi bị ngã người về phía trước, sau đó, tôi xoay người về hướng chị Đ., thì bất ngờ bị H. xô về hướng chị Đ., rồi bị té ngã gần đống bê tông cạnh đó. Tôi có gây ra thương tích cho chị Đ. không, tôi cũng không biết…

Vấn đề đặt ra

+ Nếu ngay tại thời điểm Tr. rút dao ra dọa, anh H. không tiếp tục xông vào đánh Tr., thì liệu rằng thương tích của anh H có bị xảy ra không?

+ Nếu như anh H. từ phía sau lưng của Tr. không nhào vô xô mạnh Tr. về phía trước, tại thời điểm Tr. đang quay về phía chị Đ., thì thương tích của chị Đ. có xảy ra không?

Về vết thương trên cánh tay phải của chị Đ., anh Tr. không chắc chắn rằng do chính mình gây ra, vì sau khi bị chị Đ. xô mạnh, Tr. tuy hơi bị mất thăng bằng, nhưng vẫn xoay người về hướng gần như đối diện với chị Đ., thì rất nhanh và bất ngờ bị anh H. từ phía sau lưng mình, xô mạnh về phía trước, làm cho Tr. bị mất thăng bằng khi lao về phía trước, rồi té ngã xuống đống bê tông gần đó. Theo tác giả, lời khai này là đáng tin cậy, bởi lẽ: tại Biên bản khám nghiệm hiện trường và Sơ đồ hiện trường mô tả, lưỡi dao dài 15cm, rộng 0,3cm tại vị trí cách đống bê tông 0,7m, cán bằng nhựa dài 11cm rời ra cách vị trí lưỡi dao 0,4m. Điều này có thể lý giải tình huống trên như sau: Khi Tr. vừa xoay người về hướng gần như đối diện với chị Đ., khi đó, trên tay Tr. đang cầm con dao Thái Lan, lưỡi dao dài 15cm, rộng 0,3cm, cán dao bằng nhựa dài 11cm đang quơ quơ trước mặt, thì rất nhanh và bất ngờ bị anh H. từ phía sau lưng mình, xô mạnh về phía trước, làm cho Tr. bị mất thăng bằng khi lao về phía trước, có thể lưỡi dao đã làm trúng tay chị Đ., đồng thời, Tr. bị té vào đống bê tông, chính đây là lý do làm con dao bị gãy cán. Mặt khác, xem xét vết thương trên tay của chị Đ. dưới cánh tay phải dài 6,5cm x sâu 0,3cm, điều này cho thấy, vết thương có thể được tạo ra không phải do cầm dao đâm trực diện. Và nếu đúng như giả thuyết này, thì cần phải xác định thương tích của chị Đ. do hỗn hợp lỗi giữa anh Tr. và anh H. gây ra mới đúng.

Trong khi đó, tại hiện trường, còn phát hiện và thu giữ 01 lưỡi dao dài 40cm, rộng 28cm; tình trạng lưỡi dao rỉ sét, trên lưỡi có vết màu nâu đỏ đã khô (nghi máu). Lưỡi dao này bằng kim loại có vị trí cách vùng màu nâu đỏ (1) về hướng Bắc 2,5m, đồng thời, cách cổng rào về hướng Tây Bắc 3,7m. Vậy lưỡi dao này có liên quan gì đến vụ án không? Nó có thể là hung khí gây ra thương tích cho chị Đ. không?

Nếu cho rằng, tại thời điểm anh H. xô anh Tr. về hướng chị Đ,. khi đó, trên tay Tr. đang cầm con dao, nên chắc chắn rằng, con dao đó là hung khí đã gây ra thương tích cho chị Đ.. Liệu điều này có đúng không?

Sự thật tại hiện trường vụ án xảy ra ngày 18/3/2017 có đến 03 con dao, đều có vết màu nâu đỏ đã khô (nghi máu). Ngoài 02 con dao Thái Lan mà Tr .sử dụng, thì lưỡi dao có kích thước dài 40cm, rộng 28cm; tình trạng lưỡi dao bị rỉ sét trên lưỡi có vết màu nâu đỏ đã khô (nghi máu) có liên quan gì đến vụ án không? Có ai đó đã sử dụng nó không? Liệu rằng, thương tích của anh H., chị Đ. có phải do lưỡi dao này gây ra không? Nếu lưỡi dao này không liên quan gì đến vụ án, tại sao có vết màu nâu đỏ đã khô (nghi máu)? Hơn nữa, hồ sơ vụ án cũng không có tài liệu nào cho thấy, lưỡi dao có kích thước dài 40cm, rộng 28cm; tình trạng lưỡi dao rỉ sét trên lưỡi có vết màu nâu đỏ đã khô (nghi máu) đã được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xử lý trong quá trình giải quyết vụ án. Đây là vấn đề, theo tác giả cần được Hội đồng xét xử làm rõ, mà có lẽ tốt nhất cho dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra để có thể tìm ra sự thật khách quan.

Từ những phân tích trên cho thấy, việc Tòa án nhân dân huyện K. kết án Trần Thành Tr. về tội “Cố ý gây thương tích” là không sai, nhưng việc không xem xét đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”; “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”, theo quy định tại điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS là chưa thỏa đáng.

Thạnh Hưng