Tranh chấp kết quả bán đấu giá: Người phải thi hành án 'mất' quyền khởi kiện do... luật?

03/08/2021 03:51 | 3 năm trước

(LSVN) - Theo khoản 2 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”. Như vậy, chỉ có hai đối tượng là người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về hủy kết quả bán đấu giá tài sản.

Tháng 3/2021,TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị Đ., giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 12/2019/QĐST của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa về vụ “Tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản” với lý do bà Đ. là người phải thi hành án không có quyền khởi kiện.

Tháng 6/2014, TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm “tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản” người khởi kiện bà Phạm Thị Đ. đối với bị đơn là Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa và Công ty cổ phần dịch vụ Đấu giá T.

Bà Phạm Thị Đ. là người phải thi hành án theo Quyết định thi hành án số 342/QĐ-THA ngày 21/7/2011 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa. Bà Đ. yêu cầu Tòa án hủy kết quả hai phiên bán đấu giá tài sản đối với căn nhà 173 Thống Nhất, phường  P., thành phố N. và căn nhà số 02-04B Yết Kiêu, phường Vạn Thắng, thành phố N.

Đến ngày 20/5/2019, TAND tỉnh Khánh Hòa đã căn cứ vào các Điều 217, 218, 219, 235 và khoản 2 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự ban hành Quyết định 12/2019/QĐST-DS đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm nói trên.

Tháng 5/2019, bà Phạm Thị Đ. kháng cáo cho rằng Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND  tỉnh Khánh Hòa đã nhận định cho rằng bà không phải là người tham gia đấu giá và trúng đấu giá nên không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá và đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng, yêu cầu TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nêu trên.

Tòa án thụ lý và đình chỉ đều đúng... luật!

Theo nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm, căn cứ khoản 1 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, quy định: “Đương sự, chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản”. Do đó, bà Phạm Thị Đ. (là người phải thi hành án theo Quyết định thi hành án số 342/QĐ-THA ngày 21/7/2011của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa) khởi kiện đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Tòa án hủy kết quả hai phiên bán đấu giá tài sản đối với căn nhà 173 Thống Nhất, phường P., thành phố N. và căn nhà số 02- 04B Yết Kiêu, phường Vạn Thắng, thành phố N., Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014 có hiệu lực ngày 01/7/2015) quy định: “Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”.

Như vậy, chỉ có hai đối tượng là người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Bà Phạm Thị Đ. không phải là người tham gia đấu giá và trúng đấu giá nên không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá. Do đó, bà Phạm Thị Đ. không có quyền khởi kiện, thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 (viện dẫn Điều 186 và 192) của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ những nhận định nêu trên, tháng 3/2021, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao đã ban hành quyết định không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị Đ., giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 12/2019/QĐST của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Có thể thấy hơn 05 năm trước bà Đ. là người có quyền khởi kiện đã được Tòa án thụ lý nhưng đến nay Tòa án phải đình chỉ giải quyết vì bà Đ. không có quyền khởi kiện cũng đúng luật!?.

Thực tiễn thi hành khoản 2 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014 có hiệu lực ngày 01/7/2015) đã “tước” quyền khởi kiện của người phải thi hành án là không phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Đấu giá năm 2016. Vì theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì đương sự (trong đó có Người phải thi hành án) có quyền khởi kiện các Hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản; Hợp đồng bán đấu giá tài sản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đây là hạn chế, bất cập của Luật Thi hành án hiện hành, cần phải được xem xét sửa đổi trong thời gian tới để đảm bảo quyền khởi kiện của cá nhân,tổ chức theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Bán đấu giá.

Luật sư HỒNG HÀ

Luật sư chung tay góp sức chống dịch