Đua chó đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Ảnh: DW.
Cô Heather Browning, giảng viên tại Đại học Southampton (Anh), cho biết: “Ở Australia, có một cuộc đua ngựa lớn hàng năm là Melbourne Cup. Cuộc thi này gây tranh cãi bởi hầu như hàng năm đều ngựa bị ngã, gãy chân và chết”. Kênh DW (Đức) dẫn lời bà Joanna Grossman, cố vấn chính sách tại Viện Phúc lợi Động vật (Mỹ) đánh giá: “Có rất nhiều tiền, vì vậy, xuất hiện những người huấn luyện hoặc bác sĩ thú y vô đạo đức, sẵn sàng đẩy những con ngựa này đến giới hạn”.
Động vật cũng cảm nhận được đau đớn
Đã phát sinh tranh cãi trong một thời gian dài về mức độ mà động vật cảm nhận được đau đớn và sợ hãi. Những năm gần đây, một cộng đồng liên ngành gồm các nhà nghiên cứu được hình thành nhằm tìm hiểu khả năng cảm nhận niềm vui hoặc đau khổ của động vật.
"Mọi người đều tin rằng các loài động vật có vú như chó, ngựa, linh trưởng cũng cảm nhận đau đớn giống như con người chúng ta. Chúng sở hữu bộ não có cấu trúc rất giống với bộ não con người", cô Browning nói.
Một số sự kiện thể thao nổi tiếng dựa trên động vật đã bị cấm ở nhiều quốc gia. Đua chó cũng nằm trong số đó. Đua chó từng là môn thể thao giải trí phổ biến trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, gần đây nó bị giám sát chặt chẽ bởi tình trạng các con chó chịu cảnh sống quanh quẩn cô đơn trong cũi, bị huấn luyện tàn bạo và gặp rủi ro khi không còn năng lực thi đấu trên đường đua. Đua chó vẫn hợp pháp ở 10 quốc gia trên toàn thế giới.
Chương trình động vật hoang dã ngày càng ít phổ biến
Các tiết mục xiếc truyền thống với “nghệ sĩ” chính là động vật như voi, hổ, sư tử … cũng đối mặt với phản ứng dữ dội ngày càng tăng. Điều tương tự xảy ra với cá heo và các động vật biển khác trong các buổi biểu diễn ở thủy cung, vườn thú. Bà Grossmann nhận xét: “Chúng bị lạm dụng để cư xử theo những gì người huấn luyện muốn bởi đó không phải là điều những loài động vật hoang dã, sống tự do có thể tự làm”.
Việc sử dụng động vật hoang dã trong rạp xiếc đã bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Bolivia, Costa Rica, Ấn Độ và Iran. Tuy nhiên, nó vẫn hợp pháp ở nhiều quốc gia châu Âu.
Vào năm 2021, một triệu công dân Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi lệnh cấm sử dụng động vật hoang dã trong các buổi biểu diễn trên toàn khối, sau thông tin về một nghiên cứu cho thấy gần 90% động vật được cứu từ các rạp xiếc châu Âu gặp phải vấn đề về hành vi, tự gây thương tích hoặc các vấn đề về thể chất. Pháp đã quyết định cấm sử dụng động vật biểu diễn xiếc từ năm 2028.
Trò thể thao đổ máu không có tương lai
Các môn thể thao đẫm máu như đấu bò tót cũng ngày càng gây tranh cãi. Có khoảng 250.000 con bò đực bị giết trong các trận đấu có tổ chức hàng năm. Bà Grossman mô tả nó là môn thể thao bạo lực và tàn nhẫn. Bà bổ sung: “Nhưng tin tốt là đã có nhiều khu vực và quốc gia cấm các hình thức thể thao đẫm máu”. Nhiều quốc gia nơi đấu bò từng phổ biến đã quyết định nói không với môn thể thao này, trong đó có Argentina, Canada, Cuba, Italy và Anh. Hiện nay, nó chỉ còn hợp pháp tại 8 quốc gia, 3 trong số đó ở châu Âu gồm Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha.
Cô Browning đánh giá: "Cách nuôi dưỡng và chăm sóc các loài động vật đóng vai trò rất lớn. Phần lớn cuộc đời của chúng không dành cho môn thể thao này. Nhiều con bị giết đơn giản khi chúng không còn hữu ích. Đó là lý do tại sao các quy định liên quan đến vấn đề này rất quan trọng". Nhưng chỉ tạo ra luật là chưa đủ. Cô nói thêm: “Chúng ta cần đảm bảo rằng có đủ thanh tra và họ thực hiện công việc một cách thường xuyên”.
Bà Grossmann bổ sung rằng phương tiện truyền thông xã hội cũng góp phần giúp cho mọi người thấy những gì đang xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín.
Cô Browning đồng ý và nói thêm rằng việc tận mắt chứng kiến sự lạm dụng động vật có thể khiến mọi người từ chối trả tiền cho những hành vi tàn ác đang diễn ra với các loài vật.
Theo TTXVN