/ Kinh tế - Pháp luật
/ Triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

05/01/2025 19:02 |

(LSVN) - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát đi Công văn số 55/NHNN-TD gửi các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Theo đó, Công văn số 55/NHNN-TD nêu rõ, các ngân hàng thương mại (NHTM) không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội mà các NHTM đã đăng ký tham gia với NHNN (hiện nay là 145.000 tỉ của 09 NHTM) để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các NHTM đã được NHNN thông báo.

Thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà NHTM đã đăng ký tham gia Chương trình. Trường hợp NHTM nào không có nhu cầu thực hiện chính sách này thì có văn bản gửi NHNN (qua Vụ Tín dụng CNKT) trước ngày 15/1/2025 để theo dõi, tổng hợp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Định kỳ hàng tháng, các NHTM tiếp tục báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023. NHNN yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; quan tâm, phối hợp với các Dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024, Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 5/6/2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024, Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

NHNN triển khai chương trình dựa trên Công văn 5412/VPCP-KTTH ngày 31/12/2024, Công văn số 84/VPCP-KTTH ngày 03/01/2025 của Văn phòng Chính phủ; trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng tại Báo cáo số 322/BC-BXD và đề xuất của một số NHTM về việc bổ sung hạn mức tín dụng cho các NHTM tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nhà ở xã hội), hoặc loại trừ dư nợ cho vay nhà ở xã hội khi tính hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các ngân hàng thương mại khẩn trương triển khai thực hiện.

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 96 dự án với quy mô 57.652 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án với quy mô 110.217 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 415 dự án với quy mô 412.240 căn.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng (nay là 145.000 tỉ đồng) theo Nghị quyết 33/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin điện tử. Trong đó, mới có 16 dự án đã được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng 4.200 tỉ đồng, dư nợ 1.727 tỉ đồng.

Sau hơn 01 năm triển khai, gói tín dụng trên có tỉ lệ giải ngân rất thấp vì mức lãi vay, điều kiện vay chưa thực sự ưu đãi với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Đối với người mua nhà, tính tới kết thúc quý III/2024, nguồn vốn 120.000 tỉ đã giải ngân khoảng 150 tỉ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án...

Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Quyết định 2690/QĐ-NHNN/2024 về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025 đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các NHTM. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 và thay thế quyết định trước đó. Mức lãi suất này giảm 0,1%/năm so với mức 4,8%/năm trong năm 2024.

Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn đối với việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ đã đề xuất gói vay ưu đãi 100.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, áp dụng trong 05 năm. Gói này nằm trong khoản ngân sách 500.000 tỉ đồng mà Bộ Xây dựng ước tính cần có để thực hiện Đề án Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030.

Theo dự thảo Nghị quyết, để đảm bảo gói tín dụng 100.000 tỉ đồng được triển khai liên tục và hiệu quả, ngân sách Nhà nước (NSNN) mỗi năm cần bố trí khoảng 16.500 tỉ đồng cho các năm 2025 - 2029 và khoảng 17.500 tỉ đồng cho năm 2030. Chính phủ cần giao cho Bộ Tài chính rà soát, đánh giá khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Từ đó, tạo nguồn vốn cho ngân hàng này cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.

Đề xuất này được Bộ Xây dựng đưa ra trong bối cảnh giá nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đang có dấu hiệu tăng "nóng" ở hầu hết các địa phương, vượt quá khả năng tài chính của đa số người nghèo và người thu nhập thấp. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng đối với cả chủ đầu tư nhà ở xã hội và người mua nhà đều đang gặp khó khăn.

ĐẠI QUÝ

Các tin khác