Ảnh minh họa.
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến thời điểm này đã hơn 1 năm, với 4 lần bùng phát. Đặc biệt, lần bùng phát thứ 4 này với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, số người mắc tăng đột biến.
Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai một số biện pháp nhằm đối phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy còn gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhưng những biện pháp mà Bộ này đưa ra cũng được xem là hữu ích. Điều đáng nói, kết thúc năm học Bộ GD&ĐT vẫn chưa có kết quả tổng kết, đánh giá về những hạn chế của năm học “lịch sử” trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Năm học 2021-2022 đến thời điểm hiện tại chỉ còn được tính bằng ngày, nhưng cả phụ huynh và nhà trường đang rất hoang mang, lúng túng khi con em, học sinh mình chưa biết học bằng cách nào, học sách gì?. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời.
Chưa có kế hoạch cụ thể
Mới đây, ngày 24/8, Bộ GD&ĐT mới ban hành Chỉ thị 800/CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Trước đó, vào ngày 04/8, Bộ này cũng đã ban hành Quyết định 2551/QĐ-BGDĐT về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo Chỉ thị 800/CT-BGDĐT, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến đối với tất cả các khối lớp (trừ mầm non).
Theo đánh giá của bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, đây là sự chậm trễ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. "Đáng lẽ, Bộ này cần lường trước những vấn đề về diễn biến dịch bệnh, xây dựng khung chương trình từ sớm để các địa phương tùy vào tình hình thực tế xây dựng kế hoạch năm học mới cho phù hợp. Hiện nay, khi ngày khai giảng đã đến rất gần, nhiều địa phương vẫn lúng túng không biết phải xây dựng và thực hiện kế hoạch năm học mới ra sao".
Còn ĐBQH khóa XV Phạm Văn Hòa cho rằng, không cần gấp gáp khai giảng sớm, có thể tiếp tục đánh giá tình hình dịch bệnh để triển khai kế hoạch năm học mới.
Đối với việc học trực tuyến, ông Hòa cho rằng, nếu tiếp tục triển khai việc học trực tuyến thì có lẽ cũng không có hiệu quả. Bản thân ông cũng không đồng tình với việc Bộ GD&ĐT triển khai phương án học trực tuyến cho tất cả các cấp học như hiện nay. Vị Đại biểu này cho rằng, phương án học trực tuyến là không hiệu quả nhất là với học sinh lớp 1 bởi đây là đối tượng cần sự giảng dạy và hỗ trợ trực tiếp từ giáo viên.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cũng thẳng thắn đánh giá, Bộ GD&ĐT phải có kế hoạch từ rất lâu, chứ không phải đến khi năm học mới cận kề mới có chỉ đạo.
"Giải pháp cơ bản nhất hiện nay là lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần phải sớm giải trình với Chính phủ để đưa ra các phương án cực kỳ linh hoạt về vấn đề này. Trong thời buổi dịch bệnh phức tạp này, Bộ nên quy định thời gian, nội dung học hợp lý, đảm bảo chất lượng, kiến thức cho học sinh là vấn đề quan trọng hơn cả", ông Dong nói.
Vẫn chưa có SGK
Vấn đề quan trọng hơn cả là đến thời điểm hiện tại một số cấp học vẫn chưa có sách giáo khoa (SGK), cả phụ huynh và nhà trường vẫn chờ chỉ đạo của cấp trên về việc lựa chọn học liệu. Năm nay, một số cấp học thay đổi theo chương trình đổi mới, và học sinh phải học theo SGK mới.
Câu chuyện "đi cày không có trâu" đang gây nên nỗi hoang mang cho không ít các phụ huynh, thậm chí cả nhà trường.
Bà An cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng mà Bộ GD&ĐT cần phải khắc phục ngay, khắc phục bằng mọi cách. Bởi, SGK đối với học sinh là vô cùng quan trọng, nhất là với học sinh lớp 1.
"Việc xây dựng Bộ SGK mới đã có từ lâu nên Bộ GD&ĐT không thể đổ thừa cho diễn biến dịch bệnh Covid-19. Năm học mới sắp đến, nhiều phụ huynh vẫn đang rất hoang mang đi tìm mua hay hỏi xin lại sách cho con, nhưng sách thì không mua được mà xin lại thì không dùng được", bà An nói.
Theo bà An, Bộ GD&ĐT, thậm chí cơ quan chức năng cần làm rõ vì sao đến thời điểm này vẫn chưa có SGK?, và nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ đây là việc hệ trọng, ảnh hưởng đến cả một thế hệ người.
"Đến thời điểm hiện tại việc vẫn chưa có sách giao khoa nhất là cho học sinh lớp 1 và lớp 6 là một điều rất đáng chê trách của Bộ GD&ĐT. Tại kỳ họp Quốc hội tiếp theo, chắc chắn các đại biểu Quốc hội phải có chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Ngoài ra, ông Hòa cũng cho rằng nguyên nhân chậm trễ không loại trừ những tiêu cực từ việc lựa chọn SGK theo chương trình mới. "Có thể thấy, trong những năm gần đây, vấn đề GGK luôn gặp phải phản ứng tiêu cực từ cộng đồng và đặc biệt là phụ huynh học sinh. Nó thể hiện một lỗ hổng, một hạn chế rất lớn đối với Bộ GD&ĐT".
Câu chuyện túi tiền của phụ huynh trong việc mua SGK cho con em cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều gia đình thiếu ăn, chạy ăn từng bữa.
"Giá sách liệu có phù hợp với túi tiền người dân trong thời kì dịch bệnh này hay không cũng là một vấn đề cần quan tâm. Như tại TP. HCM, Bình Dương,... với mỗi lao động không có việc làm được nhà nước hỗ trợ cho 1.500.000 đến 2.000.000 đồng, không đủ để ăn, lo ăn từng bữa vậy lấy tiền đâu mà mua?", ông Dong nói.
Cũng theo ông Dong, các tỉnh thành phố hiện nay giãn cách, vì vậy việc ra đường để mua sách cũng rất khó. Hơn nữa, nếu cứ ra đường như vậy làm lây lan dịch bệnh thì ai chịu trách nhiệm?.
MỸ LINH – THANH LOAN